Cảm xúc và pháp lý

Cảm xúc và pháp lý
TP - Tại hội thảo quốc tế lần thứ 7 về biển Đông, hôm 23 và 24/11 ở thành phố Vũng Tàu, tham luận của ông Bill Hayton đến từ Anh có đoạn: “Cái tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc là một tuyên bố dựa trên cảm xúc, chứ không phải là tuyên bố có căn cứ lịch sử...  Đường chín đoạn là một sự sai lầm”.

Cảm xúc mà đòi pháp lý can thiệp, đáp ứng. Quả là chuyện nực cười.

Cuộc sống hay có sự lẫn lộn cảm xúc và pháp lý như thế. Nên chuyện phạt người bày tỏ cảm xúc trên Facebook ở tỉnh An Giang gây cười cho cả nước nhiều ngày qua.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ mối quan tâm của dư luận: “Dư luận quan tâm không phải mức phạt mấy triệu mà việc ra quyết định xử phạt như vậy đúng hay sai, hành vi có xứng đáng nhận mức phạt đó không”. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định: phạt tiền và kỷ luật đều trái luật.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phân tích: “Nói gương mặt “Chủ tịch kênh kiệu” hay “ông Chủ tịch không gần dân”, đó chỉ là một nhận xét đầy cảm tính. Với nhận xét đó, chúng tôi thấy chưa đủ yếu tố và đến mức độ để cơ quan chức năng xử lý người ta hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Nhà nước”. Thứ trưởng nói tiếp: “Việc nhiều cơ quan cùng vào cuộc xác minh, họp hành, ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật Đảng như đã nêu là việc làm tuỳ tiện và có dấu hiệu lạm quyền”.

Nhận xét cảm tính (không phải vu khống, xúc phạm danh dự) là bản tính con người. Một công dân thấy vị chủ tịch “kênh kiệu, xa dân” trong lúc cấp dưới của chủ tịch không thấy vậy là bình thường. Công dân không thể buộc cấp dưới của chủ tịch nghe theo mình và ngược lại, cấp dưới của chủ tịch cũng không thể buộc công dân phải yêu mến chủ tịch. Công chức có được quyền dân giao cho, khi dân không yêu mến theo, lại tùy tiện ban hành quyết định phạt, chính là sự lạm quyền.

Cảm xúc còn có đặc tính là hay thay đổi, nhưng pháp lý thì phải thống nhất, trình tự rõ ràng, chặt chẽ. 

Người Việt vốn trọng tình, như chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu. Cuối cùng, các quyết định trái luật được hủy bỏ, sai lầm được tự nhận thức. Sóng gió dư luận như mọi cơn sóng gió, cũng qua. Thành phố Long Xuyên, tỉnh lỵ An Giang, không quá rộng, công chức cấp tỉnh với công dân vẫn gặp nhau, tỏ thêm lòng nhau âu cũng có điều tốt. Trên Facebook, Chủ tịch tỉnh và vị láng giềng đã có câu chúc an lành và gần nhau hơn những khi tắt lửa tối đèn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.