Cần mạnh tay

Cần mạnh tay
TP - Khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho giao thông Thủ đô vào cuối năm 2015, nhất là trong việc giảm ùn tắc, giảm tai nạn, giảm khói bụi…

Để phục vụ cho việc thi công một công trình trọng điểm, đầy ý nghĩa đó, người dân- những người đóng thuế đã phải “cắn răng” chấp nhận sự đội giá của công trình từ mức 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD. Không những thế, những năm qua, hàng vạn, hàng triệu người dân còn phải chấp nhận cảnh khói bụi, tắc đường, “lết xe” từng bước. Chấp nhận “rủi ro”, mạo hiểm đi dưới những giàn giáo, những cột bê tông, những thanh sắt, có thể rơi, có thể sập đổ, gây tai nạn bất cứ lúc nào… Thực tế máu đã đổ, mạng người cũng đã mất. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Ban Quản lý Dự án đường sắt và các cá nhân có liên quan cũng đã bị cách chức, điều chuyển công tác khác.

Ngẫm tưởng sau những sự vụ như thế, Tổng thầu EPC của Dự án là Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc sẽ nghiêm túc, quyết liệt hơn trong quản lý, cũng như bảo đảm an toàn, ngăn ngừa tai nạn lao động có thể xảy ra. Nhà thầu sẽ nỗ lực làm việc để lấy lại niềm tin, bù đắp lại những mất mát, đau thương mà người dân đã phải gánh chịu… để hoàn thành công trình đúng tiến độ như đã đề ra.

Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay, khi thời gian dự kiến hoàn thành chỉ còn 9 tháng nữa, công trình vẫn cứ ì ạch, ngổn ngang, tiềm ẩn đầy nguy cơ mất an toàn lao động cho cả công nhân lẫn những người tham gia giao thông dưới gầm công trình. Điều đáng nói là tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, Ban QLDA đường sắt cũng đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở và ban hành các văn bản cảnh cáo.

 Trước đó, sau hàng loạt các vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã có những cảnh cáo hết sức nghiêm khắc đối với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thế nhưng với những gì đã và đang diễn ra cho thấy đã đến lúc Bộ GTVT cần phải có những quyết định mạnh mẽ, quyết liệt đúng như lời Bộ trưởng Thăng đã từng tuyên bố vào chiều 4/1 với đơn vị trên: “Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được”.

MỚI - NÓNG