Cần một niềm tin

Cần một niềm tin
TP - Người thân của một sản phụ ở huyện đảo Cần Giờ, TPHCM đã reo lên trong niềm vui sướng khi lần đầu tiên các bác sĩ ở nơi này đã mổ đẻ được. Điều tưởng như quá đơn giản ấy đối với các bác sĩ tuyến trên thì ở những bệnh viện tuyến dưới như huyện xa này quả là một kỳ tích.

> Một mũi tên trúng nhiều đích

Dẫu hơi muộn màng bởi đến khi bác sĩ BV phụ sản Hùng Vương về chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây khoa vệ tinh ở đây thì niềm vui này mới được trọn vẹn, nhưng đối với các bác sĩ ở tuyến huyện này “đây là bước chuyển mình” khó quên.

Không hy vọng sao được khi từ nhiều năm nay, người dân vẫn đổ xô lên tuyến trên để chữa bệnh cho dù chỉ là một vài bệnh lặt vặt… trong khi bệnh viện tuyến dưới lại vắng hoe, thậm chí máy móc đắp chiếu.

Còn nhớ 5 năm trước, TPHCM triển khai 7 dự án bệnh viện trọng điểm ở 4 cửa ngõ để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ước mong có hơn 5.000 giường bệnh từ các bệnh viện này để “sẻ chia” tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến thành phố xem ra vẫn chỉ là mơ ước khi mà đến nay dự án vẫn chưa rục rịch.

Liệu rằng những quyết tâm của thành phố đến năm 2015 sẽ giảm được 70% tình trạng quá tải của bệnh viện sau khi các dự án này đi vào hoạt động có thành hiện thực, khi các bệnh viện trong mơ vẫn còn là những bãi đất trống, lùm xùm giữa đền bù và giải tỏa.

Đó là chưa kể, con số 13 nghìn tỷ đồng cho đề án này vẫn còn mù mịt trong tình hình kinh tế đang khó khăn hiện nay. Ai cũng dễ hình dung được tương lai của nó.

Một chuyên gia y tế cho rằng, 7 dự án bệnh viện được xây dựng hoàn chỉnh cũng cần ít nhất 5-7 nghìn bác sĩ và điều dưỡng làm việc, đó là chưa kể phải dành hàng nghìn tỷ đồng cho mua sắm trang thiết bị.

Trong khi nguồn nhân lực đào tạo không kịp đáp ứng và nguy cơ bệnh viện “chồng” bệnh viện hiện nay đang là rào cản khiến cho dự án không như kỳ vọng.

Sự mạnh dạn của y tế TPHCM khi tiếp tục đưa 60 bác sĩ giỏi của 17 bệnh viện tuyến thành phố về hỗ trợ chuyên môn cho quận huyện trong một năm, thay vì 2 tháng như trước đây, đã cho thấy một phá cách táo bạo.

Họ cũng đã quyết định cho thành lập 12 khoa vệ tinh của bệnh viện tuyến thành phố ở các bệnh viện quận huyện với hàng trăm giường để bệnh nhân có thể thăm khám, mổ xẻ… tại đây mà không phải tốn công hao sức chầu chực ở tuyến trên.

Cách làm này đã có hiệu quả tức thì khi giảm được hơn 30% các ca chuyển viện lên trên. Nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện nay đã mổ đẻ được, mổ được ruột thừa và cứu hàng loạt ca bệnh khó mà không còn “kính chuyển” như trước đây.

“Níu giữ” chân bệnh nhân không phải là xây bệnh viện to, trang thiết bị tiền tỷ mà theo các chuyên gia y tế cái cốt lõi vẫn là một đội ngũ bác sĩ giỏi, có tâm và tài để người bệnh tin tưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.