Căng như dây đàn

Căng như dây đàn
TP - Trong dòng thác mưu sinh ngày càng hối hả, tất bật, mấy ai chợt nhận ra rằng bản thân đang để cho cơn thủy triều đen trầm cảm thản nhiên gặm nhấm mình từng ngày từng giờ cho đến khi mình bất ngờ gục ngã.

> 46% người đồng tính bị kỳ thị?

Khổ nỗi, cái cách mà người ta chọn gục ngã khi mà đường đua của cuộc đời còn dằng dặc phía trước lại oái oăm nhất: Tự sát.

Nghiên cứu cho thấy, cứ 100 người thì không dưới 15 người lúc nào đó có thể mắc trầm cảm. Mà 70% số người bị trầm cảm tấn công lại có biểu hiện chán sống.

Bỏ vợ con ở bệnh viện, chồng đi tự tử. Treo cổ tự vẫn vì nắng nóng. Giết con vì bị trầm cảm sau sinh. Có cậu ấm cô chiêu an nhàn, sung túc quá, cũng hóa cuồng, chui vào vỏ ốc rồi toan tự tử.

Có trường hợp thành công sớm trên thương trường bỗng cảm thấy vô vị, không còn mục tiêu phấn đấu, mất hết động lực sống.

Con người hiện đại hóa ra dễ vỡ hơn so với thời văn minh nông nghiệp nhiều. Tại cuộc gặp các chuyên gia tâm thần quốc tế hôm qua ở Hà Nội, Tiến sỹ Wang Xiangdong, Trưởng Chương trình Phòng chống Thương tích & Sức khỏe Tâm thần, Tổ chức Y tế Thế giới, cho hay, cái giá mà Hàn Quốc phải trả cho phát triển công nghiệp là tỷ lệ tự tử ngày càng tăng.

Năm 1990, mới có 7,4 người tự tử trong số 100.000 người. Đến năm 2007, tình hình khác hẳn, 21,1 người tự tử trong số 100.000 người ở nước này. Trong vòng gần 20 năm công nghiệp hóa, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc tăng 224%.

Có lẽ không ai lại đi khuyên hãy sống nghèo như xưa để khỏi mắc trầm cảm. Nhưng có lẽ cũng không mấy ai đặt câu hỏi tại sao mức sống đi lên mà chất lượng sống có vẻ lại đi xuống.

Lý giải sao đây khi mà kiếm được nhiều tiền hơn, người ta càng có biểu hiện ít quan tâm đến nhau hơn, có vẻ trở nên mưu mô với nhau hơn, cảnh giác với nhau hơn. Cuộc sống cứ ngày càng căng lên như dây đàn.

Có thể căng mãi được không? Ai có thể làm cho dây đàn cuộc đời chùng lại nếu không phải là văn hóa? Văn hóa không ở đâu xa nếu trẻ em không còn nhìn thấy cảnh cha mẹ xô đổ cổng một trường học chỉ vì muốn con mình không thua kém hàng xóm.

Văn hóa không đâu xa nếu người ta thôi nhắm mắt tiếp tục biến các đô thị, các vùng đất tự nhiên, các đồng lúa, thành một cục xi măng.

Hãy trả lại cho phố phường những con đường rợp bóng cây, những công viên, bể bơi, nhà hát, sân vui chơi thể thao để những người bình thường nhất cũng có chỗ nhìn nhau, trao cho nhau một nụ cười sau một ngày lao động hết mình. Thế thôi, thế là đỡ căng như dây đàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG