Câu chuyện ngân sách

Câu chuyện ngân sách
TP - Việc TPHCM đi tiên phong trong việc không sử dụng ngân sách nhà nước vào việc bình ổn giá dịp Tết cho dân đáng để Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước nghiên cứu, học hỏi.

Nhiều năm nay, nhà nước có chính sách hỗ trợ dân chúng, nhất là người thu nhập thấp một cách gián tiếp bằng cách bình ổn một số mặt hàng thiết yếu.

Các doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn sẽ được cấp vốn hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách với lãi suất bằng không. Mục đích an sinh xã hội tốt đẹp này cũng phần nào phát huy tác dụng, tuy nhiên mặt trái cũng không ít với nhiều vấn đề bất cập: Bình ổn cho cả người giàu, bình ổn cả những mặt hàng người nghèo hiếm khi dám xài, giá hàng bình ổn trong siêu thị nhiều khi cao hơn cả giá ngoài chợ...

 Vậy vì sao năm nay TPHCM vẫn thực hiện được bình ổn giá mà lại không dùng tiền ngân sách ? Hãy nghe giải thích rất thuyết phục của các DN một khi họ luôn coi khách hàng là thượng đế trong cơ chế thị trường đúng nghĩa. Theo Phó Tổng Giám đốc Co.op Mart ông Nguyễn Thành Nhân, các DN tham gia bình ổn thị trường từ trước đến nay được lợi rất nhiều nhờ người tiêu dùng biết đến thương hiệu, sản phẩm. 

Do vậy dù năm nay các DN  không được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, nhưng họ vẫn tiếp tục tham gia bình ổn vì sợ bị người tiêu dùng lãng quên. “Cho vay có lãi sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh hơn là việc vay không lãi, để doanh nghiệp ỷ lại “bầu sữa” nhà nước thì sẽ không lớn mạnh được”, đó là cái lý của Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười.

Rõ ràng vai trò kiến tạo của nhà nước ở đây đã phát huy tác dụng. Sau nhiều năm trợ giúp vốn cho DN, đến nay các DN đã tự có nhu cầu tham gia bình ổn vì chính thương hiệu và khách hàng của họ, chứ không phải vì khoản vốn vay hàng trăm tỷ lãi suất bằng không kia.

Câu chuyện dự án xây 14 nhà vệ sinh công cộng trị giá 15 tỷ của Sở Xây dựng Hà Nội vừa bị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng lại, một lần nữa lại cho thấy “thói quen” sử dụng vốn ngân sách không cần cân nhắc nhiều khi đã ngấm sâu trong một số cấp quản lý. 

Ngay sau khi báo chí loan tin cũng tại TPHCM, Tết này sẽ xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng hạng “5 sao” cho nhân dân dùng miễn phí, dự án của Hà Nội đã bị “tuýt còi”. Đáng chú ý toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh sang trọng kèm cột ATM này không dùng một đồng ngân sách, mà do các ngân hàng tự đầu tư xây dựng và điều hành.

Hai câu chuyện về xã hội hóa thay vì sử dụng ngân sách nhà nước của TPHCM rất đáng để các công bộc của dân phải suy ngẫm, rất đáng để học tập. Hai câu chuyện nhưng cùng mang một thông điệp: Hãy quản lý, sử dụng tiền thuế của dân sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí!    

MỚI - NÓNG