Chất vấn, lộ ra nhiều chuyện

Chất vấn, lộ ra nhiều chuyện
TP - Sau hai ngày, đã có bốn bộ trưởng trả lời chất vấn, qua đó lộ ra nhiều chuyện khiến cử tri chưa thể an lòng về trách nhiệm quản lý nhà nước của những “tư lệnh” lĩnh vực.

> Y đức trụ nổi không?

Đầu tiên là Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Quang Vinh. Ông nói ra sự thật về lỗ hổng quản lý giám sát đầu tư ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: “Đối với các dự án thì doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý, cho nên các tập đoàn, tổng công ty không báo cáo với các cơ quan, trong đó có Bộ KH-ĐT. Nói thật là chúng tôi không nắm được. Sau vụ Vinashin thì Vinalines cũng tương tự như vậy”.

Đáng lưu ý, những lỗ hổng pháp lý này không phải lần đầu được đề cập, mà từ năm 2009, qua giám sát việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, Quốc hội đã yêu cầu cần hoàn thiện nhanh một số văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng gần ba năm trôi qua các văn bản này vẫn chưa được ban hành.

Quá chậm để xử lý một việc cấp bách, vì chậm ngày nào, lo mất tiền của nước, của dân ngày đó. Không biết đến khi Bộ trưởng Vinh tham mưu xong văn bản để “bịt được lỗ hổng” trên, có thêm vụ án lớn nào ở các tập đoàn, tổng công ty nữa bung ra?

Còn phần trả lời của Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang, khiến cả Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng phải thể hiện thái độ dứt khoát, rằng việc cấp sổ đỏ (quyền sử dụng đất) đến năm 2013 phải xong chứ không thể nói lấp lửng như ông Quang, đến năm 2015 mới cơ bản xong.

Thực ra, nói như ông Quang, từ đời bộ trưởng trước từng hứa với Quốc hội 2010 cơ bản cấp xong sổ đỏ cho dân.

Nay bộ trưởng mới lên thay, hứa thêm vài năm cũng chẳng sao, quyền lợi của dân cứ treo đấy.

Chiều qua, phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, lộ ra lỗ hổng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại.

Lỗ hổng này chỉ được phát giác, khi cả triệu dân Bến Tre, Tây Nguyên... đã thành nạn nhân của những thương lái Trung Quốc vào tận vườn mua gom dừa, khoai lang.

Đến khi dân đổ xô trồng, thì thương nhân Trung Quốc không quay lại. Nông dân bí đầu ra.

Vậy nhưng, ông Hoàng cũng chỉ nói: “Đang chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh tăng cường kiểm và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định, sửa đổi những kẽ hở mà doanh nhân nước ngoài có thể lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái”...

Quản lý Nhà nước, nếu không đi trước, thì ít ra cũng phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng, những phát sinh từ cuộc sống mà không có lợi cho dân, cho nước.

Còn đây, thường đến khi xảy ra hậu quả, cơ quan quản lý mới lẽo đẽo theo sau để khắc phục... “lai rai”. Như vậy, dân biết tựa vào ai?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG