Chỉ lên không xuống

Chỉ lên không xuống
TP - Giá điện lại rục rịch tăng theo lộ trình. Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng giá điện theo hai mức: Mức thấp khoảng 8,3% trong năm 2009, mức cao là trên 9,5%.

Dù mức này chưa đạt được như ý của EVN muốn tăng giá điện lên từ 15 - 20%, và nhiều khả năng người tiêu dùng lại sắp phải nhận thêm một gánh nặng nữa trong bối cảnh thu nhập thực tế bị giảm sút và mặt bằng giá cả sinh hoạt tăng lên.

EVN lập luận giá điện của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, ngành điện sẽ đưa giá điện trong nước đuổi kịp các nước nhằm tránh thua lỗ và có thêm tiền đầu tư cho lĩnh vực năng lượng đang ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Mới nghe thấy lý lẽ của EVN có vẻ lọt tai, tuy nhiên sự sánh ngang về giá này rõ ràng khập khiễng vì thu nhập bình quân của người Việt Nam còn rất thấp so với các nước.

Lại nữa, ngành điện và cụ thể là EVN được Chính phủ dành cho rất nhiều ưu đãi về vốn, quyền tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên, cơ chế hoạt động nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ chính là đảm bảo đủ điện năng cho đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ nhiều năm qua, người dân và doanh nghiệp buộc phải quen với tình trạng thiếu điện triền miên, phập phù, cúp điện đột ngột gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống.

Trong khi đó, EVN không tập trung toàn lực vào sân chính, hào hứng tham gia phong trào đầu tư bất động sản, góp mặt vào cuộc chơi chứng khoán, ngân hàng thêm nóng.

Nếu Chính phủ không quyết liệt chống lạm phát, trong đó có giải pháp ghìm cương các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước thì không rõ cơn hứng khởi này sẽ đi đến đâu.

Chính Tiền Phong cũng đã lên tiếng ngăn cản thành công dự án xây dựng tổ hợp thương mại văn phòng hoành tráng của EVN ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Mới đây, dư luận lại được phen xôn xao về việc EVN định trích hơn 1.000 tỷ đồng thu từ việc tăng giá điện để thưởng cho cán bộ nhân viên trong ngành…

Lộ trình giá điện chỉ thấy lên không xuống, điều đó chứng tỏ điện là mặt hàng khan hiếm. Nhưng phàm cứ lên mãi mà không có xuống cũng sẽ gây bức xúc, mệt mỏi trong cơ chế hoàn toàn thiếu vắng sự cạnh tranh.

Được biết, Bộ Công Thương đang xem xét phương án phá bỏ tình trạng một mình một chợ của EVN bằng cách chia nhỏ tập đoàn này và Bộ sẽ tham gia quản lý.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại sự dộc quyền này sẽ được thay thế bởi một sự độc quyền khác tinh vi hơn. Giải pháp căn cốt để hạ giá điện, có lẽ là việc cho phép mở rộng đối tượng đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hệ thống phát điện, phân phối điện giống như nhiều nước đã làm thành công.                                                               

MỚI - NÓNG