Chính sách và dự báo

Chính sách và dự báo
TP - Trong cuộc họp báo ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đã có ý kiến trả lời báo chí rằng “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo”.

Ý kiến này gây ngạc nhiên và quan ngại không ít và cần được phân tích bởi lẽ nó có liên quan trực tiếp đến chất lượng của sự điều hành của Chính phủ và đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước tiên, câu trả lời này làm chúng ta liên nghĩ đến một nhận định thường nghe mỗi khi kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết: “Đường lối chủ trương đúng nhưng yếu kém trong khâu thực hiện”.

Đường lối, chủ trương thể hiện ý chí, và là ý chí khi đã được đưa vào nghị quyết. Nhận định như vậy là thừa nhận có một khoảng cách giữa ý chí và khả năng thực hiện.

Cách giải thích này đã được chấp nhận có lẽ do trong tiềm thức, chúng ta sẵn sàng cho rằng có một khoảng cách về trình độ giữa trung ương và cơ sở cũng là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo hơn, chúng ta đều hiểu rằng trong quá trình thảo luận để đi đến nghị quyết, nhất thiết khả năng thực hiện phải được phân tích kỹ, cân nhắc các mặt để đảm bảo tính khả thi của đường lối, những gì được và mất để không rơi vào “duy ý chí”. Nếu lập luận như vậy thì cách giải thích này vừa khiên cưỡng, vừa có phần dễ dãi.   

Một trong những yếu tố thu hẹp khoảng cách giữa “đường lối” và “khâu thực hiện” là giữa “chính sách”, một bậc thang giáng đi vào thực hiện đường lối, và “dự báo”, một cung bậc thăng của khâu thực hiện, không nên có khoảng cách. Vả lại, không thể xây dựng chính sách mà không có dự báo.

Hơn thế nữa, không thể có chính sách đúng nếu dự báo kém. Nói một cách khác, biện minh rằng “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo” là cùng tính chất với lập luận “Đường lối chủ trương đúng nhưng yếu kém trong khâu thực hiện”.

Đúng là trong nền kinh tế thế giới, mà chúng ta chủ trương “chủ động hội nhập”, ngày càng toàn cầu hóa, có những yếu tố khách quan mà chúng ta không thể lường hết được. Giá dầu thô đã được đưa ra để dẫn chứng: “Kể cả một số chuyên gia nước ngoài cũng từng dự báo giá dầu chỉ lên đến 75 USD/thùng nhưng thực tế chỉ trong một tháng đã tăng từ 70-100 USD/thùng”.

Đúng là với thay đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra hiện nay, bão táp, mưa lũ dồn dập, tác động nặng nề lên mùa vụ và năng suất cây trồng vật nuôi không sao dự báo hết được.

Nhưng liệu có phải đây là những điều mà chúng ta hoàn toàn không dự báo được và buộc phải chấp nhận một cách bất lực hay không?

Ai cũng biết rằng rừng bị phá sẽ làm tăng nguy cơ lũ quét. Thế nhưng bao nhiêu năm nay, chúng ta đã làm gì để hạn chế nạn phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn? Chương trình 5 triệu héc ta rừng đã chi hàng ngàn tỷ đồng đã đạt kết quả gì và đã đóng góp hạn chế lũ quét ra sao?

Ai cũng biết với giá dầu thô tăng thì những nước nhập xăng dầu phải chịu thiệt, cho dù những nước đó có xuất được chút ít dầu thô. Ai cũng biết nếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động từ năm 2005 thì chúng ta sẽ đỡ bị thua thiệt rất nhiều và nhà máy đã có thể góp phần giảm thiểu cơn “sốc” giá xăng dầu đối với nền kinh tế biết bao! 

Cả thế giới đều được cảnh báo về việc mặt nước biển đang dâng hiện nay và trong những thập niên sắp tới đây. Đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển miền Trung và nhất là đồng bằng sông Cửu Long đã được thông báo là những địa bàn bị uy hiếp nghiêm trọng vào bậc nhất. Liệu những dự báo này đã lọt vào tầm nhìn của những nhà hoạch định chính sách và những nhà quy hoạch của chúng ta chưa?

Nếu những vấn đề trên, và còn nhiều vấn đề khác nữa, chưa được đặt ra một cách nghiêm túc trong chương trình nghị sự và không được giải quyết rốt ráo thì chắc chắn chúng ta sẽ nghe lại điệp khúc: Không thể dự báo hết được các khó khăn khách quan!

Thế còn về phía chủ quan? “Ví dụ năm qua chúng ta dự báo về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ban đầu là 12 tỷ USD, sau tăng lên 16 tỷ, đến cuối năm dự đoán là 20 tỷ nhưng thực tế cuối cùng là 21 tỷ” đã được dẫn chứng để giải thích “Dự báo yếu khiến công tác chuẩn bị hấp thụ vốn chưa tốt”.

Thành thật mà nói, đây vừa là dự báo yếu vừa là sự phối hợp kém giữa các bộ ngành. Khi thấy khả năng hấp thụ vốn không đáp ứng kịp thì tại sao tiếp tục tiếp nhận để phải lâm vào hoàn cảnh “bội thực” FDI, điều mà thậm chí còn được coi là một thành tích của năm 2007! Sòng phẳng mà xét, thiết nghĩ cũng nên tự đặt câu hỏi Ta là nạn nhân hay chính lại là một tác nhân của tình hình?

Nói về dự báo yếu kém trong lĩnh vực chủ quan, trong thời gian gần đây có khá nhiều văn bản pháp quy vừa được ban hành chưa bao lâu đã được thay đổi, gây nên không ít bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín nền pháp chế và kỷ cương phép nước. Một trong những lý do là thiếu dự báo tác động trở lại của các văn bản này.

Một dự án đầu tư, dự án FDI nói riêng, bắt buộc phải có những báo cáo tác động lên môi trường. Chẳng lẽ một văn bản pháp quy, mà tầm tác động liên quan đến toàn xã hội, lại không cần có báo cáo nghiêm túc nhất về dự báo tác động lên kinh tế, xã hội và môi trường hay sao?

Nếu câu hỏi nạn nhân hay là tác nhân được mỗi ngành, mỗi địa phương và cả thiết chế nhà nước nói chung nhớ đến và thường xuyên tự vấn một cách thành khẩn thì công tác dự báo, xây dựng chính sách và quản lý nhà nước chắc chắn sẽ có bước tiến. Đó cũng là điều cần thiết để đất nước chủ động hội nhập và phát triển bền vững. 

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
của Quốc hội khóa XI

MỚI - NÓNG