Chịu trách nhiệm

Chịu trách nhiệm
TP - Đến lúc này, chuyện xe cháy ở xứ ta đã trở thành cơm bữa. Người ta không còn quan tâm xe có cháy hay không, mà vấn đề là xe gì cháy, rồi cơ quan chức năng nói khác gì so với ngày hôm qua.

> Hàng loạt xe bỗng dưng bốc cháy 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chuyện xe cháy đã cũ mèm đến độ muốn viết một bài báo về nó cũng khó, vì tình tiết ngày hôm nay không khác mấy với ngày hôm qua. Có chăng, cái mới ở đây là ít nhất cho đến nay, đã có những cơ quan “lên tiếng nhận trách nhiệm”. Đầu tiên là Bộ Công Thương. Bộ này nói rằng “nếu xe cháy do chất lượng xăng, bộ có phần trách nhiệm”.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng nhanh chóng đi đến kết luận sau một loạt các vụ cháy xe, rằng với trách nhiệm quản lý hoạt động đăng kiểm, bộ này cũng liên đới một phần trách nhiệm. Rồi Bộ Khoa học - Công nghệ, cơ quan về chính danh có tính khoa học nhất trong các cơ quan. Bộ Công an thì đương nhiên nhận trách nhiệm điều tra, phân tích những yếu tố dân sự và hình sự qua các vụ cháy…

Trở lại những dữ kiện của hiện tượng xe cháy hàng loạt. Theo phản ánh của báo chí, trong năm 2011, cả nước đã có khoảng 90 trường hợp. Trong đó 50 trường hợp liên quan tới ô tô và 39 vụ của xe máy. Các vụ việc này gây thiệt hại về tài sản và làm 2 người chết, 2 người bị thương.

Số liệu từ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 12-2010 đến ngày 18-12-2011, riêng tại Hà Nội xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ mới xác định được nguyên nhân của một số ít trường hợp cháy nổ ô tô, xe máy. Hơn 50% số vụ còn lại vẫn chưa được làm rõ.

Kết luận của Viện Khoa học hình sự cho thấy, ngoài sự việc nổ xe máy Dream khiến 2 nạn nhân tử vong xảy ra tại Bắc Ninh phát hiện có yếu tố hình sự thì nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy được xác định do chập điện gây nên 5 sự cố, chiếm 11,6% tổng số vụ; va chạm hai xe khi lưu thông trên đường gây cháy là 2 xe, chiếm 4,6%.

Nguyên nhân hỏa hoạn tại khu để xe gây cháy 3 xe, chiếm 6,9%; cố ý đốt xe chiếm 1 vụ. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 trường hợp cháy nổ xe chiếm 72% số vụ việc vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Những vụ cháy xe đã làm lộ ra nhiều lỗ hổng trong hoạt động quản lý xã hội tương ứng: Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có quy định về bảo hành, bảo dưỡng với xe ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với ô tô sản xuất trong nước và xe máy, chưa có các quy định liên quan.

Xe cháy đã trở thành chuyện thời sự hằng ngày. Và cuối cùng cũng có một số nơi nhận trách nhiệm. Nhưng nhận trách nhiệm đâu phải đã hết. Vì xe vẫn tiếp tục cháy, còn trách nhiệm như một quả bóng, hôm nay người này tuyên bố đang sở hữu, ngày mai kẻ nọ nói đang giữ nó trong chân.

Cái mà người dân cần thực ra rất đơn giản: cháy vì đâu, và ai phải chịu trách nhiệm, ai phải đứng ra đền bù? Nếu không ai dám đứng lên chỉ rõ đối tượng đó là ai, thì chuyện thi nhau nhận trách nhiệm chẳng qua cũng chỉ đơn giản là trách nhiệm cả làng mà chẳng là của ai cả mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG