Chỗ dựa nào cho áo trắng

Chỗ dựa nào cho áo trắng
TP - “Tôi muốn gào lên cho đến khi lạc giọng/ Không gì đau thương/bằng/mất một con người…”. Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Lê Đạt đã có thơ về những người tự tử.

Nicolas Bosc, chuyên gia tư vấn tâm lý người Pháp đang làm luận án tiến sĩ về vấn nạn tự tử trong thanh thiếu niên Việt Nam, đưa ra con số: Trung bình cứ mỗi 28 giờ, ở Việt Nam lại có một trường hợp tự tử. Tuy nhiên, đó vẫn là nghiên cứu của một cá nhân, còn số liệu thống kê đầy đủ hàng năm theo giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp… của những cơ quan chức năng, thì đến nay dường như vẫn chưa có.

Giới trẻ ở ta hầu như rất ít ai chịu “chết cùng” sau những cái chết của “thần tượng” như ở Hàn, ở Nhật. Chết vì tình cũng không nhiều, mà đa phần vì chuyện học hành thi cử, liên quan môi trường giáo dục.

Tự tử vì thi trượt, vì bị nghi oan giở tài liệu trong phòng thi, vì giận thầy cô xử oan cho mình, cả vì trót tiêu lỡ mấy chục ngàn tiền quỹ lớp…

Không ít trường hợp có đến 5 em gái cùng học chung một lớp 7 ở Hải Dương cùng tự tìm đến cái chết một lần cách đây vài năm. Trước đó chỉ ít tháng, cũng có vụ tự tử tập thể của 5 em học sinh cũng lớp 7 ở một huyện ngoại thành Hà Nội, may mắn cứu kịp.

Nguyên do mỗi em một kiểu, nhưng chung quy lại vẫn là do cảm thấy không đạt được ý nguyện trong học tập, bị đối xử oan ức cộng với tâm lý bị coi thường, bỏ rơi của cha mẹ, nhà trường…

Để thấy rằng vẫn chưa phải quá khó trong việc khu biệt nguyên nhân, khoanh vùng đối tượng áo trắng học trò trước nguy cơ tự tìm đến cái chết để có cách hạn chế, ngăn ngừa.

Thầy cô giáo trên giảng đường đều đã được đào tạo về tâm lý giáo dục. Những cú sốc tâm lý của lứa tuổi mới lớn trong trường, trong lớp chắc không khó để nhận ra. Nhưng đâu đó xảy ra việc đau lòng có lẽ do thiếu sự quan tâm và tình thương yêu thực sự.

Không như nhiều nước, ở ta vẫn đang thiếu một trung tâm chuyên nghiên cứu về tự tử để đưa ra những ứng phó mang tính sách lược và toàn diện về vấn nạn này. Cũng đã có một tổng đài chuyên tư vấn và hỗ trợ trẻ em những khi gặp bế tắc.

Nhưng như vậy là quá ít. Công tác kịp thời “ứng cứu” những người đang tự đứng bên bờ vực của cái chết đến nay vẫn chưa thực sự nóng. Nhiều khi ai đó phát hiện người có ý định tự tử từ khá lâu, nhưng cũng bối rối không biết gọi sự trợ giúp từ đâu.

Tại nước Hàn, hiện người ta đang lên án giới truyền thông trong việc đưa tin bài, hình ảnh quá kỹ về những cái chết liên tiếp của các loại “sao”. Ngẫm lại ở ta, nhiều lúc việc đưa tin các vụ tự tử trên báo chí vẫn còn khá lạnh lùng, thậm chí có lúc có nơi còn có biểu hiện câu khách mà thiếu sự cảm thông.

Chưa kể còn thiếu phân tích thiệt hơn, đúng sai của các bên liên quan, cũng như ý kiến tư vấn cụ thể của chuyên gia tâm lý. Để khẳng định đó là những cái chết xấu xí, cực kỳ vô nghĩa, và trên hết là thảm họa để lại di chứng suốt đời cho gia đình, những người thân, bạn bè…

Tôi vừa thấy trên mạng một câu lạc bộ “Những người thích chết” với slogan thật thú vị: “Chúng ta chỉ là những người thích chết thôi chứ còn lâu chúng ta mới chịu chết sớm thế!”. Đó là diễn đàn giúp nhau xả xì-trét của học sinh một trường THPT ở Nam Định.

Đó là nơi khi bạn có ý nghĩ tiêu cực mà tận cùng là cái chết thì tìm đến để được tư vấn lối ra. Lối đối diện với thực tại để hi vọng, để vượt qua, để chờ bình minh và ánh sáng. Khi trên mạng vẫn nhan nhản những trang web đen làm đen tâm hồn áo trắng, thì đây là điểm sáng đáng khích lệ. Chỉ cần mỗi trường có một diễn đàn như vậy, thật quý biết bao nhiêu!

MỚI - NÓNG