Chớ vội mừng, đừng vội lo

Chớ vội mừng, đừng vội lo
TP - Sáng qua, diễn ra một hội thảo bàn về diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm 2013 của Bộ Tài chính. Chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cùng 14 ngân hàng thương mại tổ chức họp kín bàn cách chặn cơn sốt ngoại tệ đang tiềm ẩn tiếp đợt sóng ngầm.

> Bán ngoại tệ can thiệp thị trường
> Cắt cơn cho… ngoại tệ

Hai chủ đề thoạt tưởng cách xa nhưng lại chung một đích đến: ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chống lạm phát.

6 tháng đầu năm, hầu hết giá cả các nhóm sản phẩm, hàng hóa đều ít biến động ngoại trừ nhóm dịch vụ y tế, giáo dục và thuốc tân dược. So với trước, đây quả là tín hiệu vui và khả năng kiểm soát CPI ở mức dưới 8% như mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội được nhiều chuyên gia khấp khởi sẽ trong tầm tay. Nhưng cũng chớ vội mừng bởi như phân tích của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc lạm phát giảm đà tăng là do sản xuất ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được dẫn đến tồn kho lớn.

Tiêu thụ chậm thì doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập và dẫn đến không có khả năng thanh toán. “Đây là tác động kép của sự đình trệ” - ông Phú nhận xét.

Một chuyên gia kinh tế khác lại chỉ ra những hiệu ứng không mong đợi về giá còn tiềm ẩn. Theo đó, quan ngại về giá cả từ nay đến hết năm đặt cả vào một số mặt hàng trọng yếu và các nhóm dịch vụ.

“Giá điện đã điều tiết theo Luật Điện lực sẽ phải xây dựng theo lộ trình. Còn xăng dầu, với việc ăn theo giá thế giới (dầu thô mấy ngày nay đã vọt từ 118 lên 121 đô la/thùng) đang ẩn chứa rủi ro về giá khó nói trước điều gì”- chuyên gia này nhận định kèm theo lưu ý nếu không biết dè chừng, liệu hồn “con ngựa” CPI sẽ nổi đóa bất kham trở lại.

Trở lại với cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước chiều 11/7. Cơn sốt ngoại tệ hầm hập những ngày qua cùng trạng thái căng thẳng trên hệ thống đến chính từ cầu tâm lý của thị trường và sự găm giữ ngoại tệ của một số ngân hàng thương mại đã khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Ai cũng biết, tác động kép của tăng tỷ giá là sẽ trực tiếp làm tăng giá các mặt hàng và nguyên liệu nhập khẩu, từ đó cộng thêm vào giá cả các mặt hàng liên quan và điều này, cuối cùng lại trút cả vào người tiêu dùng.

Giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm là thông điệp chính được Ngân hàng Nhà nước tuyên bố và tất cả các lãnh đạo 14 ngân hàng tham dự đã lên tiếng đồng thuận.

Cùng với đó, sẽ là những liệu pháp như can thiệp thị trường ngay khi cần thiết, dùng tín phiếu để hút tiền đồng. Hy vọng, cơn sốt dai dẳng của tỷ giá USD/VND sẽ dịu lại, và cơ hội lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, người dân về sự ổn định của hệ thống, của VND cũng vì thế mà tăng lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG