“Chôn vùi” nguồn lực

“Chôn vùi” nguồn lực
TP - Những cột, trụ bê tông sừng sững mọc lên giữa đường phố. Những tấm đan bê tông che kín cả bầu trời, những hàng rào tôn kín mít chạy dài cả chục cây số chia đôi nhiều con đường ken đặc người xe và khói bụi.

Đó là hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân thủ đô – các dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ triền miền vì đội vốn và thiếu vốn. Một hình ảnh không mấy sáng sủa về tính hiệu quả của đầu tư công hiện nay, bởi chúng đã tồn tại quá lâu dưới dạng công trường dang dở, chưa biết khi nào mới đến ngày khánh thành.

Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, không ít ĐB đã lên tiếng cảnh báo về gánh nặng nợ công tăng cao, sắp đụng trần 65% GDP (hiện là 62%), do hàng loạt dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn. Điển hình là 12 dự án ngàn tỷ đang gây nhức nhối dư luận. Hiện thu nhập bình quân của người Việt Nam mới trên 2 ngàn USD nhưng đã phải gánh một khoản nợ công tới hơn 1.300 USD.

Trong bối cảnh như vậy, thông tin về việc có tới 13 bộ ngành, địa phương đang giải ngân vốn đầu tư công quá chậm (dưới 20%) quả là một nghịch lý đáng giật mình ! Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thẳng thắn nói: “Chúng ta đã phải trả lãi vay để huy động nguồn lực mà tiền đọng lại không tiêu được. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng” và cho biết : “Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng của 13 đơn vị”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý : Tiền không có phải đi vay, phải trả lãi suất tích lũy theo thời gian không hề nhỏ. Ấy vậy mà, đi vay về rồi lại đem cất trong kho vì không tiêu được. Ngoài câu chuyện của thủ tục rườm rà, phức tạp, ngại trách nhiệm, sợ thất thoát, còn có nguyên nhân không nhỏ thuộc về năng lực quản lý và điều hành dự án. Hay nói cách khác, đó chính là năng lực “tiêu tiền”.

Tiêu tiền ở đây cần được hiểu là tiêu một cách hiệu quả, đúng mục đích và đúng pháp luật. Nhưng cũng không ít trường hợp dòng vốn vay bị tắc bởi đâu đó chủ đầu tư - ông chủ còn nặng tư duy “hành” nhà thầu.

Nợ công, vốn vay của nhà nước chủ yếu được dùng cho đầu tư phát triển, tức đầu tư công. Nguồn vốn này phải được quản lý và chi tiêu một cách hiệu quả để trở thành nguồn lực cho tăng trưởng, cho quốc kế dân sinh, chứ quyết không thể trở thành “nguồn tham nhũng, lãng phí, gánh nặng cho thế hệ sau” như có ĐBQH từng trăn trở.

Nợ công sắp đụng trần, vậy mà có tới 120 ngàn tỷ vốn đầu tư công chưa được giải ngân, hay nói cách khác chưa biết tiêu thế nào, đây thực sự là một sự lãng phí không hề nhỏ. Chúng ta đang thiếu nguồn lực, thiếu tiền để đầu tư phát triển, song trong trường hợp này, dường như nguồn lực quốc gia vốn rất eo hẹp lại đang bị “chôn vùi” vô nghĩa.

MỚI - NÓNG