“Chống lại giải thưởng…”

“Chống lại giải thưởng…”
TP - Chỉ một thứ có thể chống lại giải thưởng, đó chính là chất lượng của tác giả, tác phẩm. Nhà văn trẻ, diễn giả về công nghệ trò chơi nổi tiếng người Anh Tom Chatfield khi cho rằng“Nghệ thuật chống lại giải thưởng” với hàm ý chất lượng nghệ thuật luôn cao hơn, lâu bền hơn giải thưởng, đã khẳng định:

> Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn
> Hội Nhạc sĩ ủng hộ nhạc sĩ Phạm Tuyên

“Nếu thiếu vắng niềm tin nơi công chúng, giải thưởng chẳng khác gì kết quả của một trò rút thăm có thưởng, vốn đầy rẫy ngoài các siêu thị” .

Khắp nơi đã ồn ào, nhưng thật chẳng đặng đừng khi phải nói thêm. Đó là câu chuyện xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật những ngày vừa qua. Bởi càng sát ngày trao giải, lại có thêm những thông tin thật buồn, rất buồn. Nó đã vượt ngưỡng niềm tin và kiên trì của đông đảo dư luận đối với hệ thống các hội đồng xét giải các cấp.

Liên tiếp xảy ra việc xin rút khỏi giải thưởng của gia đình nhà văn Sơn Tùng, Sơn Nam, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cũng như việc nhạc sĩ Phạm Tuyên bị đùn đẩy làm khó vì không chịu viết đơn “xin giải”. Rồi việc “bỏ quên” nhiều bậc thầy nghệ thuật, mà sự nghiệp của họ có chia làm vài ba lần cũng đủ để người khác vinh hạnh một đời.

Mới đây nhất là trường hợp cố họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992). Ông chính là cha đẻ của Quốc huy Việt Nam, của các mẫu Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, vẽ các bộ tem lừng lẫy “Chân dung Hồ Chủ tịch”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Mạc Thị Bưởi”, tác giả nhiều mẫu tiền đồng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Chẳng lẽ với tài năng và công lao ấy, ông không có chỗ đứng ngang bằng trên bục vinh danh của Nhà nước so với nhiều tác giả lứa tuổi con cháu khác mà sự nghiệp lép hơn nhiều lần?

Thế nhưng, thật lạ là cả đời ông vẫn chưa được trao một giải thưởng nào. Và ngay cả khi gia đình ông gửi hồ sơ, thì cố họa sĩ vẫn hai lần không lọt vào được “mắt xanh” của ngay hội đồng cấp cơ sở ! Cũng giống như trường hợp nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả của những bài hát hào sảng vang dậy sông núi.

Trên thế giới, trừ những cuộc thi, còn lại các giải thưởng từ Nobel trở xuống đều do các nhà xuất bản, Viện Hàn lâm, các hội đồng chuyên ngành khắp nơi tìm tòi đề cử tác giả, tác phẩm, công trình với ban tổ chức giải, chứ không hề có việc tự ứng cử. Còn ở ta hầu hết vẫn chìm ngập trong tâm thế đơn từ, xin - cho. Cơ chế ấy sinh ra nhiều khuất tất theo kiểu ban phát, ân huệ trong nhằng nhịt các mối quan hệ.

Để rồi không ít những văn nghệ sĩ, nhà khoa học đang xủng xẻng những danh hiệu, giải thưởng xin - cho lấp lánh, đến lúc sẽ phải ngậm ngùi nhận ra rằng họ chỉ là cái giá để treo những cái áo quá rộng với mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG