Chống rửa tiền ở Việt Nam: Giao dịch trên 200 triệu đồng phải báo cáo

Chống rửa tiền ở Việt Nam: Giao dịch trên 200 triệu đồng phải báo cáo
Thành lập TT thông tin phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; Quy định 13 loại giao dịch có dấu hiệu  đáng ngờ. Đó là nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị định về chống rửa tiền ở Việt Nam.

Chống rửa tiền đối với Việt Nam là lĩnh vực mới. Do chưa có các quy định cụ thể hoá tại các văn bản dưới luật nênViệt Nam đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các điều luật này.

Liên quan đến vấn đề trên, bên lề Hội thảo Chống rửa tiền và đấu tranh chống khủng bố diễn ra ngày hôm qua (22/3), Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó chánh thanh tra, Vụ Thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về một số nội dung trong dự thảo nghị định về chống rửa tiền ở Việt Nam.

Ông Hồng cho biết: Rửa tiền là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, tìm cánh hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có, thông qua các hoạt động cụ thể như tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch có liên quan đến tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất việc di chuyển của tiền và tài sản do phạm tội mà có...

Nhóm khu vực tài chính Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng “Việt Nam đang là mục tiêu của bọn rửa tiền”, theo nhóm này một số yếu tố gây ra tình trạng trên trong đó có sự kém phát triển của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng,  ông bình luận gì về nhận định này ?

Đó là ý kiến của họ. Về thực trạng rửa tiền ở Việt Nam bên công an sẽ có số liệu chính xác. Hiện nay chúng tôi đang hướng đến việc thành lập Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (các nước gọi là cơ quan tình báo tài chính), làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin có liên quan đến rửa tiền. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức về việc liệu Việt Nam có trở thành mục tiêu của bọn rửa tiền hay không. Nghị định chống rửa tiền mới của Việt Nam là bước đi đầu tiên quan trọng trong quá trình chống lại xu hướng (nếu có) bất lợi đó.

Nghị định hướng đến những biện pháp chủ yếu nào để phòng chống rửa tiền, thưa ông?

Dự thảo nghị định quy định mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt phải báo cáo là 200 triệu đồng hoặc bằng vàng, ngoại tệ có giá trị tương đương; với tiền gửi tiết kiệm là 500 triệu đồng. Dự thảo cũng quy định 13 loại giao dịch có dấu hiệu được coi là đáng ngờ, ngoài ra còn có danh mục các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ được Ngân hàng Nhà nước bổ sung định kỳ bằng văn bản riêng.

Quy định này nhằm giúp cho việc chủ động phát hiện và xử lý các giao dịch đáng ngờ mới xuất hiện, phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam. Các biện pháp tạm thời được áp dụng trong phòng chống rửa tiền bao gồm không thực hiện giao dịch; phong tỏa tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, tạm giữ người vi phạm và các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật.

So với thế giới thì “ngưỡng” 200 triệu đồng là nhiều hay ít, thưa ông?

Luật chống rửa tiền của nhhiều nước quy định mức giá trị giao dịch tiền mặt phải báo cáo là 10.000 USD. Như vậy “ngưỡng” của Việt Nam có thể được coi là nhiều. Tuy nhiên ở các nước, tài sản cá nhân được quản lý theo pháp luật rất chặt chẽ

Ông có nói dự thảo chú trọng công tác phòng ngừa nạn rửa tiền hơn là các biện pháp để chống nạn này. Để “phòng ngừa” thì các ngân hàng phải thực thi chặt chẽ quá trình nhận biết khách hàng, liệu điều này có “phạm” vào một nguyên tắc của các ngân hàng là phải tôn trọng quyền bí mật tài khoản? 

Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ vấn đề đó, tinh thần của dự thảo là tuyệt đối tôn trọng quyền bí mật của khách hàng, đồng thời với việc phòng chống rửa tiền thì mục tiêu của dự thảo là phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của nền kinh tế, các quy định về quá trình nhận biết khách hàng như các trường hợp cần nhận biết, yêu cầu nội dung thông tin, biện pháp nhận biết và việc lưu giữ thông tin nhận biết..., đều tuân theo các khuyến cáo và những thông lệ của quốc tế, được áp dụng phù hợp với nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

Liệu dự thảo có được thông qua trong năm nay, thưa ông?

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều sự chuẩn bị sẵn sàng, nhất là việc soạn thảo các thông tư hướng dẫn và các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền để đảm bảo sau khi ban hành, việc thi hành nghị định có hiệu quả cao. Thời gian ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Võ Văn Thành  (thực hiện)

Bà  Susan J Adams, đại diện thường trú cao cấp IMF: Việt Nam cần phải cảnh giác với các hoạt động tội phạm rửa tiền bởi nếu nó xâm nhập vào sự lành mạnh của hệ thống tài chính thì sớm muộn sẽ làm sụp đổ hệ thống này, phá vỡ  nền kinh tế của một đất nước.

Chuyên gia vụ pháp chế IMF - Peter Csonka: Thực tế đã chứng minh, những năm qua các tổ chức tội phạm luôn tìm cách lẩn trốn, len lỏi đồng tiền của mình vào các ngân hàng, tổ chức tài chính và sau đó dùng chính những đồng tiền này lưu chuyển vào nền kinh tế chính thức, dẫn đến sự chi phối lũng đoạn kinh tế. Điển hình là sự sụp đổ của Ngân hàng Thương mại quốc tế BCCI ( Mỹ), 50% các  ngân hàng Matxcơva của Nga có liên hệ với các tổ chức mafia và hệ thống các ngân hàng của Anbani.

MỚI - NÓNG