Chuyển động hay hành động?

Chuyển động hay hành động?
TP - Một học sinh lớp 2 buộc phải chuyển trường sau cuộc tranh cãi giữa mẹ với nhà trường về cái cà vạt đồng phục bị bà mẹ cho là “xấu”, và phơi lên Facebook. Một số cán bộ tỉnh Hà Tĩnh vừa bị kiểm điểm vì không chịu uống bia sản xuất tại tỉnh nhà, (dù đó là hãng bia ở Sài Gòn, chỉ đóng chai/vô lon tại “tỉnh ta” mà thôi).

Một nữ giảng viên đại học gây ồn ào trên báo chí với gánh xôi mà cô định sẽ “gạt sĩ diện để chường mặt ra đường” bán kiếm để thêm tiền đắp đổi cho gia đình.

Nếu như câu chuyện “gánh xôi và giảng viên” có thể chỉ là tình huống giả định do một tờ báo tự bày ra chọc tức bạn đọc để câu view, thì hai chuyện đầu có thực. Là trường tư thục, nhưng hẳn đã có lượng khách hàng ổn định nên chẳng cần “mẹ con đứa nào”?! Còn người mẹ, hẳn cũng có tiền nên bất cần, con mình thả ra thiếu gì nơi săn đón, trọng vọng?! Chỉ cậu bé là hằn sâu vết thương đầu đời trong tâm trí. Còn với mấy cán bộ ngành giáo dục Hà Tĩnh, họ viết gì trong bản tường trình nộp lên cấp trên, khi không uống đúng loại… bia theo quy định?!

Hàng loạt thí sinh đại học khăn gói đến trường làm thủ tục nhập học theo giấy báo, đến nơi mới ngã ngửa vì mới hay rằng mình đã… rớt. Ráo hoảnh câu trả lời: Vì các em nhầm lẫn trong việc cộng điểm ưu tiên! Ai thử mở ra mà xem, thôi thì rối mù đủ thứ quy định về chính sách ưu tiên, từ đối tượng, nhóm, khu vực; liên quan đến vô số văn bản, nghị định, quyết định lớn bé, cũ mới. Học sinh miền núi, nông thôn cùng cha mẹ chúng như sa vào bụi rậm, khai báo cộng trừ theo kiểu may nhờ rủi chịu.

Xã hội đang được vận hành theo quy trình nào? Giá trị sống, giá trị ứng xử đang ở đâu? Trường hẳn nhiên không chê tiền, và chắc cũng thuộc lòng về triết lý giáo dục, nhưng sẵn sàng chấp nhận việc cùng với phụ huynh làm tổn thương một đứa nhỏ. Một giáo viên đi bán xôi thì xôn xao coi là “mất sĩ diện”. Còn những loại người vẫn ngang nhiên xà xẻo, móc túi tiền của nước của dân, cả bằng cấp lẫn đạo đức đều giả, lại chẳng mấy ai buồn bàn đến nữa. 

Benjamin Franklin, bậc lập quốc của Mỹ, người được in ảnh trên tờ 100 USD, đúc kết: “Đừng bao giờ nhầm lẫn chuyển động và hành động”.

Nhìn lại, đúng là chúng ta có thói quen vận hành xã hội bằng cách liên tục “chuyển động”, mà không phải là “hành động”. Luôn tỏ ra bận rộn, kỳ thực là bị đẩy đi, cuốn đi bởi những tình huống không lường trước, đành chỉ biết chạy theo đuôi chúng để sửa sai. Chứ không phải hành động theo một lộ trình khoa học, mang tính quy luật có lựa chọn, tính toán phù hợp, theo  nguyên lý chung của các quốc gia đi trước. Từ những văn bản quy định đơn giản nhất đến nhiều bộ luật, vẫn liên tục phải sửa chữa, chỉnh lý. Từ một kỳ thi đổi mới “2 trong 1” đến những tuyến đường cao tốc, liên tục được cắt bỏ, vá víu, sửa chữa, bù lún.

Xã hội hiện rất cần được vận hành bởi tư duy hành động.

MỚI - NÓNG