Chuyện lạ!

TP - Dự án của Bộ Văn hóa kết nối Nhà hát Lớn với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thành không gian văn hóa đặc biệt, như một công viên mở, đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của giới kiến trúc và đông đảo người dân thủ đô. 

Nhân dịp này, dư luận mới để ý tới sự tồn tại của “tổ hợp” nhà hàng, tiệc cưới hiện diện trong khuôn viên bảo tàng này bấy lâu nay.

Đem cả dịch vụ tiệc cưới, nhà hàng vào bảo tàng lịch sử của một quốc gia, chắc hẳn là chuyện hiếm gặp trên thế giới, quả là chuyện lạ! Thông thường, bảo tàng lịch sử của một quốc gia chính là nơi du khách nước ngoài tìm đến nhiều nhất, để tìm hiểu về cội nguồn, bản sắc và văn hóa của đất nước đó.

Cũng là một trong những nơi đầu tiên được nước chủ nhà chọn giới thiệu với các đoàn khách quốc tế. Trong nghề làm báo, tôi cũng may mắn được tới thăm bảo tàng lịch sử quốc gia của nhiều nước trên thế giới, thú thực chỉ bắt gặp những không gian văn hóa - lịch sử đích thực, trang trọng, chỉ có dịch vụ bán đồ lưu niệm của bảo tàng, thậm chí bán đồ uống cũng không. Bảo tàng xen lẫn tiệc cưới như ở ta quả là độc nhất vô nhị!

Thực ra, nhìn ra xung quanh, đâu chỉ mỗi Bảo tàng lịch sử quốc gia “tranh thủ” cho thuê làm dịch vụ ăn uống, cưới hỏi. Hiện tượng nêu trên xảy ra khá phổ biến trong không gian của nhiều công trình do các cơ quan nhà nước sở hữu, quản lý.

Chắc hẳn các kiến trúc sư, cha đẻ của những công trình này, sẽ ngỡ ngàng và xót xa khi thấy ý tưởng thiết kế đầy tâm huyết của họ đã bị sử dụng sai mục đích. Bởi nhà hàng, tiệc cưới, thậm chí quán bia hơi chưa bao giờ xuất hiện trong bản vẽ thiết kế của họ.

Ngoài việc “phá hỏng” không gian văn hóa, kiến trúc, công năng của các công trình này, ai kiểm soát số tiền cho thuê tài sản của nhà nước trong suốt bao năm qua, sử dụng thế nào, chi tiêu vào việc gì, theo quy định của luật nào? Liệu có lợi ích nhóm trong chuyện này? Hàng loạt câu hỏi chưa có câu trả lời.

Dẫu sao, đã đến lúc toàn bộ không gian văn hóa của Bảo tàng lịch sử nói riêng, và nhiều công trình khác nói chung, phải được trả lại nguyên trạng để phục vụ công ích và người dân.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.