Chuyển viện

Chuyển viện
TP - Bao nhiều năm nay có khoảng nửa triệu người đã đặt niềm tin vào các bệnh viện tuyến trên khi họ chọn mua bảo hiểm y tế tại tuyến này để được thăm khám, cho dù chấp nhận phải đối mặt với quá tải và đợi chờ.

> Bệnh nặng vẫn được chuyển tuyến trên 

Tuy nhiên, liệu niềm tin này của họ có còn đặt được ở đây lâu dài khi mà bảo hiểm xã hội (BHXH) đang thực hiện lộ trình chuyển khoảng nửa triệu thẻ bảo hiểm này về cho bệnh viện tuyến quận huyện.

Việc làm này chí ít cũng đã tạo được sự đồng thuận cho những người điều hành, quản lý của ngành y tế khi mà vấn nạn quá tải ở các bệnh viện tuyến trên tại TPHCM đã thành căn bệnh trầm kha nhưng chưa có lời giải rõ ràng.

Nay giải pháp “đẩy” người bệnh tham gia bảo hiểm y tế về lại chốn cũ cho các bệnh viện quận huyện đã được thực thi, mặc nhiên sẽ tháo một phần quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà không cần phải tìm giải pháp đao to búa lớn.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến thành phố, lâu nay vốn kêu ca bệnh viện mình quá tải, xin xây dựng hàng loạt bệnh viện vệ tinh, cơ sở 2 để? giảm tải, giờ đây, khi nghe BHXH Việt Nam đốc thúc chuyển nửa triệu người bệnh đăng ký khám chữa bệnh tuyến này về địa phương lại tỏ ra buồn.

Buồn vì hàng trăm nghìn bệnh nhân, vốn là nguồn thu cố định của họ lâu nay giờ phải nhường cho nơi khác. Buồn nữa, khi không còn quá tải, việc đầu tư, xây dựng sẽ bị cắt giảm!

Trong khi tuyến trên buồn thì bệnh viện tuyến dưới như mở cờ trong bụng, bởi lâu nay “ngồi chơi xơi nước” giờ chuẩn bị có việc để làm. Bệnh nhân đổ về cũng đồng nghĩa nhân lực sẽ được tăng thêm, cơ sở vật chất cũng được đầu tư nhiều hơn, nguồn thu chắc chắn sẽ không còn èo uột như trước.

Nhưng niềm tin của người bệnh vào bệnh viện tuyến này liệu có được đầu tư cải thiện khi mà từ lâu, chính những lãnh đạo bệnh viện tuyến này thừa nhận: ngoài khám bệnh ra, các chuyên khoa ở tuyến dưới gần như chẳng làm gì hơn…ngoài chuyển viện!?

Lý giải hiện tượng này, PGS- BS Nguyễn Tấn Bỉnh- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, sở dĩ có sự ra đi như vậy vì “niềm tin của người dân đối với bệnh viện tuyến dưới không còn”. Vậy mà giờ đây khi các bệnh viện quận huyện vẫn chưa có gì để đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể khám và điều trị tốt cho bệnh nhân thì quyền lựa chọn của người bệnh lại bị áp đặt vào nơi được xem “không có niềm tin” ấy.

Bệnh nhân như đang đứng giữa dòng, khi họ phân vân và bối rối trong sự đi, ở, còn hạn, hết hạn của tấm thẻ bảo hiểm vốn bình đẳng trong chất lượng khám chữa bệnh nhưng chưa bình đẳng trong niềm tin vào y đức, y thuật được mặc định bởi luồng, tuyến.

Tín hiệu, ngành y tế hứa hẹn sẽ có bước đột phá từ nay đến năm 2015 khi tập trung đầu tư cho bệnh viện tuyến quận huyện. Điều này cũng có nghĩa, cả cơ sở vật chất và nhân lực sẽ không còn thua kém bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và khi ấy niềm tin của người dân vào bệnh viện có được bình đẳng. Vẫn biết, đó là câu chuyện của tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG