Có còn lần 6?

Có còn lần 6?
TP - Cách đây 4 năm, hệ thống cấp nước sông Đà dài 47,5km và nhà máy nước cùng tên do Vinaconex làm chủ đầu tư từng nhận giải thưởng “Cúp Vàng xây dựng Việt Nam” 2010.

Được biết đây là công trình nước sạch lớn “thuần Việt” đầu tiên được thực hiện, hoàn toàn bằng nguồn lực Việt từ khâu khảo sát, thiết kế đến sản xuất đường ống, thi công, vận hành khai thác. Ấy vậy mà từ năm 2012 đến nay, đây là lần thứ 5 đường ống dẫn nước này liên tục bị vỡ, khiến 70 ngàn hộ dân thủ đô đang dùng nước máy Sông Đà điêu đứng.

Điều lạ là, cho đến lần thứ 5 xảy ra sự cố nghiêm trọng nói trên (chiều 1/4), vẫn một nguyên nhân quá cũ được nhà máy này đưa ra : Nền đất yếu (?!). Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) Lê Quang Hùng cho biết: “Việc vỡ đường ống nước đã diễn ra nhiều lần nên Bộ Xây dựng, mà cụ thể là Cục giám định sẽ cử đoàn đi kiểm tra và làm việc với chủ đầu tư ngay trong ngày 3/4”.

Dân gian nói “quá tam ba bận”, đằng này tới 5 “bận” liên tục, mà lần nào cũng tại… nền đất yếu thì thật là khó hiểu. Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình cần vào cuộc ngay để điều tra nguyên nhân một cách khách quan và khoa học, không thể chậm trễ thêm nữa.

Về mặt khoa học có rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới vỡ đường ống, ví như do chất lượng vật liệu làm ống, quy cách ống, do chất lượng thi công lắp đặt, do môi trường xung quanh (trong đó có nền đất)… Như vậy, nền đất yếu chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có thể gây vỡ đường ống. Hoặc giả như nền đất có thực sự yếu, cũng cần có các thông số đo đạc thật cụ thể, yếu tới mức sụt lún dẫn đến đường ống bị vặn, bị gẫy ra sao…, tất cả cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân đích thực. Tóm lại, bài toán tìm nguyên nhân không hề khó. Cái khó nhất có khi lại là ở chỗ ai tìm và tìm đến đâu mà thôi.

Xin lưu ý, toàn bộ đường ống dẫn nước bằng vật liệu ống cốt sợi thủy tinh đều do Vinaconex tự nghiên cứu, chế tạo. Do vậy, độ bền vật liệu và quy cách, chất lượng đường ống là yếu tố không thể bỏ qua. Quá trình thi công, lắp đặt hệ thống đường ống cũng quan trọng không kém. Dư luận cũng thắc mắc, tại sao một hệ thống cấp nước quan trọng như vậy mà lại “độc đạo”, không hề có đường ống dự phòng ?

Đến lần vỡ thứ 5 này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng không thể không vào cuộc để “hội chẩn” và bắt đúng căn bệnh trầm kha mang tên “vỡ ống” là do đâu ? Chỉ với một tinh thần làm việc khoa học, khách quan và trách nhiệm mới có thể giúp 70 ngàn hộ dân thủ đô thoát “vấn nạn” cúp nước, phải bồng bế nhau đi tắm nhờ, hoặc “họa vô đơn chí” như vụ nhà hàng Dzo Dzo (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) bị bà hỏa thiêu rụi hôm 2/4 vì không có nước Sông Đà để dập lửa.


Hy vọng lần thứ 5 cũng là lần cuối cùng công trình từng nhận “Cúp vàng xây dựng Việt” này bị vỡ ống, để dân nhờ.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.