Có lạm quyền?

Có lạm quyền?
TP - Thông thường, các nước quy định một số trường hợp cơ quan chức năng, cụ thể là quân đội hay cảnh sát, được trưng dụng tài sản của người dân trong một số trường hợp. Và thường những trường hợp ấy đều liên quan đến các tình huống có thể nguy hại đến an ninh quốc gia, hoặc tình huống khẩn cấp, có tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Ở Mỹ, thỉnh thoảng có những vụ trưng dụng ô tô hoặc thậm chí là máy bay cá nhân để đuổi bắt tội phạm. Tuy nhiên, tòa án Mỹ cũng kết luận rằng, chỉ trong các trường hợp đặc biệt cấp bách như chiến tranh, thiên tai hay tình huống có thể đe dọa đến an nguy của xã hội thì tài sản của cá nhân mới có thể bị trưng dụng.

Và bởi vì luật trưng dụng liên quan đến tài sản cá nhân nên thông tư 01/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, có hiệu lực từ ngày 15/2 càng khiến người dân chú ý và phản ứng. Là bởi vì sự không rõ ràng của quy định liên quan đến quyền trưng dụng tài sản cá nhân. Khoản 6, điều 5 của thông tư này quy định: “Cán bộ cảnh sát giao thông có quyền được  trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

Nói đơn giản là quyền trưng dụng tài sản thông qua quy định trên, là điều chưa hợp lẽ bởi quyền này phải được chiểu theo các “quy định của pháp luật” mà thẩm quyền ra quyết định trưng dụng hiện nay phải là bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh và phải bằng văn bản. Có nghĩa là quy định như trên nhưng trong thực tế không thể thực thi trong tình huống khẩn cấp bởi phải chờ phê duyệt. Còn nếu viên cảnh sát nào tự ý trưng dụng xe cộ, điện thoại của người dân là vi phạm các quy định hiện hành.

Đó là chưa nói quy định về quyền trưng dụng tài sản của cảnh sát giao thông dường như là một sự ban bố quyền lực hơi quá đà, không đúng chỗ. Bởi, với nhiệm vụ và chức năng của cảnh sát giao thông, với các trang bị và phương tiện hiện có, họ cần gì một quyền trưng dụng tài sản và trang thiết bị của người dân mà cụ thể ở đây chính là xe cộ và điện thoại (phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc)? Các trường hợp nguy hại đến xã hội, đến an ninh quốc gia liên quan đến công việc của cảnh sát giao thông là gì mà cần phải trang bị thêm quyền trưng dụng tài sản cá nhân?

Đã đưa ra quy định để xã hội tuân theo thì cần phải chặt chẽ, thấu tình đạt lý. Nếu không, chính các quy định của cơ quan chức năng đang làm giảm tính nghiêm minh và khoa học của các bộ luật.

Người dân có quyền đặt nghi vấn, trong trường hợp cảnh sát giao thông dùng quyền trưng dụng tài sản để tịch thu chiếc điện thoại người dân vừa dùng ghi lại hình ảnh cảnh sát ăn hối lộ thì các nhà soạn thảo luật trả lời sao

MỚI - NÓNG