Cổ phần hóa vì ai?

Cổ phần hóa vì ai?
TP - Với việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận ngày 3/7, có lẽ trường hợp của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là trường hợp duy nhất từ trước đến nay ở cấp lãnh đạo bộ còn đương chức, ít nhất là trong lĩnh vực công thương, bị vạch rõ những vi phạm, sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định cũng như kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ở một số nước trên thế giới, tình trạng quan chức “trộm cắp” bằng việc “hô biến” tài sản công thành của riêng thuộc sở hữu cá nhân hoặc của gia đình cũng đã từng bị báo chí và dư luận ở các nước đó phanh phui. Giá phải trả cho những hành động này rất rõ ràng: Tài sản bị tịch thu, người vi phạm, biển thủ tài sản nhà nước phải vào tù.

Còn ở Việt Nam, đến nay dường như chưa có một trường hợp đích danh quan chức bị chỉ rõ hành vi sai phạm trong cổ phần hóa trong quá khứ như trường hợp ở Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Những đường đi lắt léo, lòng vòng trong việc mua và thâu tóm cổ phần của những thành viên của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa cũng phần nào cho thấy miếng bánh ngon cổ phần hóa hấp dẫn đến như vậy. Chẳng vì thế mà hết con, rồi đến em trai của bà Thoa liên tiếp thực hiện những phi vụ thâu tóm cổ phần với số lượng lớn tại những thời điểm quan trọng của Điện Quang để rồi sau đó ung dung bước vào tiếp quản vị trí lãnh đạo công ty sau khi chị gái (bà Thoa) được điều động về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đến nay, Nhà nước mất gì, gia đình bà Thoa được gì sau cổ phần hóa Điện Quang vẫn chưa được mổ xẻ, phân tích cặn kẽ để làm bài học cho các cuộc cổ phần hóa khác.

Cổ phần hóa là để giúp doanh nghiệp thoát khỏi những quy định, lối mòn kinh doanh cũ kỹ, thói ỷ lại vào cơ chế bao cấp để tạo động lực phát triển mới. Nhưng trong thực tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn là việc nói dễ, làm khó. Bằng chứng là Chính phủ phải liên tục đốc thúc tiến độ cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty. Chuyện doanh nghiệp nhà nước ì ạch cổ phần hóa, cổ phần xong lại trốn niêm yết cũng không phải là chuyện mới. Tình trạng chậm trễ đến mức, mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phải lên tiếng yêu cầu các cơ quan công khai danh sách 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), khi trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, luôn cho rằng, hiện vẫn có lỗ hổng về mặt quy định pháp luật chặt chẽ liên quan đến những người nắm chức vụ quản lý và những người có liên quan tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách. Khi đó, việc ưu ái người nhà, không công tâm trong điều hành, chỉ đạo chính ở đúng lĩnh vực mình phụ trách hoàn toàn có thể xảy ra. Các quyết định này, nếu được đưa ra sẽ có ảnh hưởng, tạo điều kiện cho công ty của em trai, người nhà lợi dụng để tư lợi trong cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

Sai phạm theo kết luận, dù sau nhiều năm mới bị phát hiện và chỉ rõ, nhưng cũng vẫn rất có ích nếu nhìn dưới góc độ là một lời cảnh tỉnh cho những quan chức đã và đang nhăm nhe tìm cách biến “của công thành của ông”. Việc tẩu tán tài sản nhà nước hay nói cách khác là dìm giá, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, nếu chứng minh được sẽ là tội phải trả giá rất nặng. Bên cạnh việc minh bạch hóa tiến độ cũng như quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước cũng sẽ là những biện pháp phòng ngừa tốt để những tình trạng tương tự, những lợi ích nhóm không còn đất sống hay có thể xảy ra trong tương lai.

MỚI - NÓNG