“Cơm chấm cơm”

“Cơm chấm cơm”
TP - Thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa dừng tuyển sinh đại học đối với 207 ngành của 71 trường do không đáp ứng quy định tối thiểu về đội ngũ giảng viên đang gây sự chú ý của công luận.

Đây thực sự là tin mừng cho hàng triệu thí sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước. Mùa tuyển sinh đang đến hẳn họ và gia đình sẽ thở phào may mắn, bởi chậm chút nữa thôi hàng ngàn, hàng vạn sinh viên sẽ bị lãng phí cả thời gian và tiền của vào các ngành đào tạo kém chất lượng.

4-5 năm ngồi trên ghế giảng đường là quãng thời sung sức và quý báu nhất của thời trai trẻ để “nạp” kiến thức, học thành nghề. Nếu không may “ngồi nhầm” vào những giảng đường thầy không ra thầy, đào tạo theo kiểu “cơm chấm cơm”, họ sẽ bị thiệt hại nặng nề về nhiều phương diện: Không những tốn thời gian và tiền bạc mà còn mất đi chi phí cơ hội không thể lấy lại được.

Một loạt câu hỏi nhức nhối đặt ra, hiện có bao nhiêu sinh viên hiện đang theo học 207 ngành nghề nói trên tại 71 trường ĐH trên cả nước? Liệu sau quyết định dừng tuyển sinh của Bộ, họ có tiếp tục được học nốt? Ai đào tạo họ hay vẫn đội ngũ giảng viên - đang bị cho là không đủ điều kiện - hiện tại? Bằng cấp của họ liệu có được công nhận hoặc chí ít có bị giảm giá trị nặng nề từ vụ việc đình chỉ gây chấn động này?

Tất cả những hệ lụy nói trên chắc chắn có nguồn gốc từ những người cấp phép cho việc đào tạo hơn 200 ngành nghề này. GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH Ngoài công lập đề nghị: “Dẫu cho những người làm sai hiện không tại vị thì vẫn cần phải truy cứu trách nhiệm”. 

Một thời các trường ĐH ở nước ta không hiểu vì sao bỗng dưng mọc lên như nấm sau mưa, “có năm gần như bình quân mỗi tuần lại thêm một trường ĐH mới”, GS Trần Xuân Nhĩ nhận xét. Còn GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cách đây ba năm, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo thực trạng quy mô vượt xa năng lực đào tạo. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Dẫu vậy, muộn còn hơn không. Dừng sớm những địa chỉ đào tạo yếu kém ngày nào sẽ có lợi cho xã hội ngày đó. Một ngành đào tạo bậc ĐH mà không có nổi một giảng viên tiến sĩ và ba giảng viên thạc sĩ, đào tạo kiểu “cơm chấm cơm”, thì dừng là hoàn toàn đúng. Đã đến lúc chúng ta phải quay lại tiêu chí chất lượng thay vì chạy theo số lượng như thời gian vừa qua, đúng như tinh thần Nghị quyết T.Ư 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà vừa ban hành.

MỚI - NÓNG