Cớm nắng

Cớm nắng
TP - Trước, trong và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều  kỳ vọng được dành cho đề thi môn Văn năm nay. Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc thi tốt nghiệp, các đại diện cơ quan Bộ GD&ĐT không ngừng nhấn mạnh những đổi mới về đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh năm nay đã phát huy tính chủ động, hứng thú và tư duy sáng tạo của thí sinh.

Kết quả tốt nghiệp của hầu hết các tỉnh là trên 99% dường như là một minh chứng mạnh mẽ cho nhận định trên, đặc biệt ở ý tứ “phát huy tính chủ động, hứng thú và tư duy sáng tạo của thí sinh”.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào chuyện hậu trường chấm thi và phân tích kỹ các yếu tố liên quan tới kỳ thi mới thấy hóa ra không phải cứ thấy đỏ nghĩa là đã chín! Với những điều kiện quá thuận lợi cho thí sinh năm nay, điều mà khiến Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại nói vui đây là kỳ thi “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhiều nhà giáo cho rằng thật lạ lùng vì vẫn có học sinh trượt, dù số này quá ít ỏi! 

Còn nhiều giáo viên tham gia chấm thi môn Văn thì ngậm ngùi hẫng hụt với những nỗi băn khoăn: Sao đề mở mà bài làm của các em không chịu mở? Sao được sáng tạo mà các em không sáng tạo?

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thì cao chót vót, đề Văn được dư luận nức nở khen hay, nhưng điểm thi Văn lại cứ làng nha làng nhàng. Thậm chí có nhiều bài thi giám khảo phải “gạn đục khơi trong” mới có thể hạ bút cho điểm 1,25 với hy vọng khi làm tròn thì bài thi được nâng lên thành 1,5 điểm để thí sinh thoát khỏi cửa ải “điểm liệt”! 

Ngay cả trước những bài thi được điểm 7 điểm 8, giám khảo vẫn không nén nổi tiếng thở dài! Vẫn chỉ là những bài viết sạch sẽ, ý tứ na ná nhau, dù là đề mở.

Lý giải cho cái sự làng nhàng của kết quả thi Văn năm nay, nhiều giáo viên cho rằng các em “không quen” với đề mở. Đó là chưa kể cái lối học tủ (và cả sự thờ ơ với việc học nữa) khiến một văn bản có ngay trong chương trình nhưng lại quá đỗi xa lạ với nhiều em. Với những em này, chưa nói tới việc phân tích những ý nghĩa nghệ thuật cao siêu, ngay cả việc nắm được cốt truyện cũng là điều xa xỉ.

Cái sự học từ hàng chục năm nay của học trò bị bó hẹp trong văn mẫu. Nó biến học sinh thành những cây non bị cớm nắng lâu ngày, những cây non không còn nhu cầu quang hợp, cho dù được trả tự do dưới ánh nắng mặt trời. 

MỚI - NÓNG