Còn đó nỗi lo

Còn đó nỗi lo
TP - Vậy là sau một số tranh cãi của các cơ quan chức năng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM vừa công bố kết quả kiểm tra sản phẩm bún tươi, bánh canh, bánh hỏi, hủ tiếu… và quan trọng là phát hiện nhiều mẫu hóa chất cực độc.

> Cái chết từ từ đi qua đường... miệng!
> Khi thực phẩm “bẩn” trót lọt

Như vậy, dù bị cho là sai quy trình, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng TPHCM công bố trước đó là khá chính xác.

Cụ thể, trong 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa chất tẩy trắng quang học Tinopal. Thậm chí có mẫu bánh phở chứa cả acid oxalic, một loại hóa chất công nghiệp cực độc. Những kết quả này không có gì bất ngờ bởi đã được cảnh báo trước đó.

Và đó mới chỉ là vài sản phẩm liên quan đến miếng ăn miếng uống. Bún, phở, bánh canh… dù gì vẫn là đồ ăn thêm. Tuy nhiên, ngay cả cơm gạo người dân ăn hằng ngày cũng đang có nguy cơ nhiễm các loại hóa chất nguy hại. Báo Tiền Phong đã phản ánh, nhiều đầu nậu mặt hàng gạo ở TPHCM sẵn sàng dùng hóa chất chưa rõ nguồn gốc để làm mới gạo mốc, dùng chất tẩy trắng, chất tạo mùi “phù phép” thành các loại gạo đặc sản.

Nhưng điều đáng nói là thái độ ứng xử của các cơ quan chức năng trước thông tin này. Ngành y tế, ngành công thương đã không có phản ứng gì đáng kể trước thông tin gạo tẩy trắng bởi “chúng tôi vẫn theo dõi và chưa thấy có gì đáng lo”, theo tường thuật của phóng viên về hồi đáp của một số cơ quan chức năng. Cách trả lời này cũng tương tự kiểu phản hồi của Sở Công Thương TPHCM khi Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng TPHCM công bố kết quả kiểm nghiệm độc lập về sản phẩm bún, phở…

Bún, phở… đã có câu trả lời. Nhưng vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ về gạo. Và cho dù cơ quan chức năng đã xác định được tình trạng bát nháo trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã kiểm nghiệm ra chất độc, thì cũng như những lần trước, điều người dân cần nhất bây giờ không phải chỉ là việc ai phải chịu trách nhiệm. Mà cao hơn là vấn đề có cải thiện được tình hình hay không, làm cách nào hiện thực điều đó.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của họ, người dân vẫn phải chấp nhận sống trong hoang mang, sợ hãi bởi không thể nhịn ăn nhịn uống.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Đó mới chỉ là phần nổi, bởi khó có thể tính số người bị ảnh hưởng sức khỏe do tình trạng mất an toàn thực phẩm gây ra. Nhưng điều đáng lo hơn, có lẽ nằm ở chỗ: nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng thường do người tiêu dùng, do báo chí phát hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG