Con số biết nói

Con số biết nói
TP - Tính đến hôm qua, hàng chục tỉnh thành trên cả nước đã lần lượt công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT 2014. Thống kê ban đầu cho thấy, kết quả có vẻ nhỉnh hơn cho dù tỷ lệ tốt nghiệp mọi năm cũng chỉ còn 1-2% nữa là kịch trần 100% (năm 2013 là 97,52%, năm 2012 là 98,97%).

Trong số hơn hai chục sở giáo dục các tỉnh thành đã công bố điểm, cao nhất là Bình Dương đạt 99,86%, Bến Tre 99,67%, còn cỡ 98,54% như Hà Nội là thuộc diện… thấp.

Năm nay, Bộ GD&ĐT coi việc đổi mới thi cử là bước đột phá khẩu, là “nút bấm” làm chuyển động cả hệ thống giáo dục trì trệ bấy lâu nay, nhất là cách dạy và học. Với quan điểm đó, số môn thi tốt nghiệp THPT đã rút lại từ 6 còn 4, trong đó có 2 môn tự chọn; kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp; đổi mới cách ra đề môn văn…

Tất cả nhằm hướng tới một nền giáo dục thực học với triết lý rõ ràng: Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành, phát triển kỹ năng, năng lực, phẩm chất của người học.

Nhưng, với tỷ lệ đỗ vẫn lên tới 99,8 - 99,9% ở nhiều tỉnh thành năm nay, liệu có nói lên điều gì về việc đổi mới thi cử lần này? Phải chăng tỷ lệ đỗ tiếp tục tăng kịch trần là hệ quả của “nút bấm” mà Bộ GD&ĐT kỳ vọng? Chắc chắn là không phải! Đổi mới hay không đổi mới, mà 1.000 học sinh đi thi vẫn chỉ có 1-2 em trượt, chắc không ích gì. Hy vọng những phân tích sâu hơn về phổ điểm, về tỷ lệ đỗ giỏi - khá - trung bình của năm nay sẽ tìm thấy điều gì khác mọi năm chăng?

Về lý thuyết, một khi cách thi và đề thi có sự thay đổi, đương nhiên sẽ có tác động đến kết quả thi, kết quả xếp loại tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi dù là nhỏ nhất chỉ có thể nhìn thấy khi và chỉ khi các điều kiện khác như coi thi, chấm thi, xét kết quả học tập lớp 12… được diễn ra nghiêm túc. Bằng không, mọi cố gắng sẽ là vô ích.

Nếu bằng giờ này sang năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp với cách thi, đề thi đổi mới vẫn tiếp tục cao kịch trần như năm nay. Nếu tỷ lệ đỗ khá, giỏi vẫn như mọi năm. Lúc đó, chỉ có thể lý giải “nút bấm” vẫn chưa trúng hoặc cần thêm đồng thời nhiều “nút bấm” khác thì hệ thống với sức ỳ quá lớn mới chịu chuyển động chăng?

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một kỳ thi quá lãng phí bởi cả bộ máy khổng lồ vào cuộc, cả triệu thí sinh đi thi mà chỉ sàng lọc ra được 1-2% dưới ngưỡng, vậy sao không xét tốt nghiệp cho nhẹ nhàng lại đỡ tốn kém cho toàn xã hội?

Lâu dài hơn, với đổi mới thi cử đúng hướng, hy vọng cách dạy và học buộc sẽ phải thay đổi theo. Cách dạy nhồi nhét kiến thức, thầy đọc trò ghi, cách học vẹt, học thụ động, học chỉ để thi… sẽ chấm dứt. Khi ấy, những con số thống kê về kết quả học tập, thi cử sẽ tự nó nói lên nhiều điều.          

MỚI - NÓNG