Cú hích

TP - Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ được người Mỹ và người Việt Nam quan tâm mà thế giới cũng rất chú ý theo dõi. Chúng ta hãy xem ngoài mấy nước lớn, nước đồng minh chiến lược thì Tổng thống Donald Trump đã đón ai ở Nhà Trắng?

Phải nói đây là chuyến đi rất quan trọng không chỉ với quan hệ hai nước mà là dịp để ông Trump thể hiện với Đông Nam Á và thế giới về đường hướng ngoại giao của Mỹ đối với khu vực này.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh chính sách ngoại giao của chính quyền của Tổng thống Trump đang có những yếu tố gây chú ý và lo ngại với người dân ở khu vực Đông Nam Á, như việc ông Trump đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay tuyên bố từ bỏ chính sách xoay trục sang châu Á mà người tiền nhiệm Barack Obama thực hiện. Tuy nhiên, kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy thực tế không phải như thế. Mỹ vẫn coi trọng Đông Nam Á, đặc biệt là vị trí của Việt Nam ở khu vực.

Về kết quả chuyến thăm, rõ ràng chính quyền của ông Trump đang tiếp tục duy trì quan hệ Việt - Mỹ vốn đã phát triển rất mạnh từ thời ông Bill Clinton. Tổng thống Trump cho thấy chính sách của các chính quyền trước đối với Việt Nam là đúng, là có cơ sở và cần thúc đẩy, chứ không giống một loạt chính sách khác dưới thời cựu Tổng thống Obama mà ông quyết thay đổi.

Chúng ta vừa chứng kiến những hợp đồng trị giá hơn chục tỷ đô la Mỹ được ký kết trong dịp này. Đây là kết quả rất lớn và rất hiếm đối với Việt Nam. Ngay từ đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Trump nói rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang đây để hai bên bàn về vấn đề thương mại. Thương mại là mục tiêu bao trùm cả chuyến đi này. Điều này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ. Rõ ràng chuyến thăm này đạt được mục tiêu đó, tạo bệ phóng để quan hệ thương mại Việt - Mỹ phát triển sau này.

Hai nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong một loạt lĩnh vực khác mà Việt Nam quan tâm và Mỹ sẵn sàng chia sẻ. Trong cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các nghị sĩ quốc hội Mỹ, các nghị sĩ thuộc cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm như hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế quốc phòng - an ninh…

Về an ninh - quốc phòng, Mỹ và Việt Nam đã không giấu giếm hợp tác trong lĩnh vực này. Mỹ đồng ý chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ Việt Nam để tăng cường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Điều này sẽ giúp nâng cao rất nhiều vị thế của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc khi các nước thấy rằng Việt Nam còn khó khăn, vất vả như vậy nhưng vẫn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực vào nhiệm vụ quốc tế này.

Về vấn đề biển Đông, Tuyên bố chung khẳng định, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Những điều này rất phù hợp với quan điểm của Việt Nam.

Ngay từ đầu cuộc gặp gỡ báo chí, ông Trump nói rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm được rất nhiều việc ở Việt Nam, cho thấy Tổng thống Mỹ đánh giá cao đường lối và thành tựu phát triển của Việt Nam.

Tổng thống Trump là người coi trọng quan hệ cá nhân, và chuyến thăm lần này cho thấy ông Trump rất thân tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù mới gặp nhau lần đầu. Đây là cơ sở rất tốt để tạo ra đường hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ ít nhất trong 4 năm tới, trong đó quan hệ thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục... sẽ là chủ đạo.

Cũng trong cuộc gặp báo chí, ông Trump thông báo rằng “chúng tôi sẽ bàn về vấn đề Triều Tiên”, cho thấy trong con mắt của Mỹ bây giờ, Việt Nam có thể tham gia với Mỹ và cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề khu vực chứ không chỉ trong quan hệ Việt - Mỹ.

Tôi cho rằng, chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công mỹ mãn, tạo ra một cú hích cho quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới, khiến các nước khác ở Đông Nam Á thấy rằng, Việt Nam có vị trí quan trọng ở khu vực.

MỚI - NÓNG