Của công, ai xót?

Của công, ai xót?
TP - Ngày 21/9, Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức một diễn đàn về chi tiêu công và nợ công. Cũng đúng ngày này Bộ Tài Nguyên & Môi trường công bố dự kiến chi tiêu một khoản lên tới 700 triệu đồng cho việc lập báo cáo và tổ chức hội nghị tổng kết chiến lược khoáng sản. Cũng ngay trong ngày 21/9, Bản tin nợ công số 5 cho hay tới hết năm 2015, nợ Chính phủ trên 94 tỷ USD (chiếm 61% GDP).

Có ai bóc tách con số 700 triệu đồng mà Bộ kia dự kiến tổ chức tổng kết gồm những hạng mục nào? Thì đây, dự trù kinh phí cho việc tổng hợp báo cáo của Bộ này lên tới 500 triệu đồng, 200 triệu đồng còn lại là kinh phí tổ chức hội nghị. Tất cả đều được trích từ nguồn ngân sách chi thường xuyên. Dư luận không khỏi băn khoăn, “tổng hợp” kiểu gì mà ngốn hết nửa tỷ ? Còn nữa, hiện nhiều bộ ngành, địa phương đang có hiện tượng thích tổ chức hội thảo, hội nghị, thậm chí họp hành tại những khách sạn hạng sang. Mặc dù, chính tại trụ sở cơ quan hoặc địa phương đều có phòng hội nghị lớn.

Gần như năm nào cơ quan chức năng cũng bàn về kiểm soát chi tiêu công. Năm ngoái, tại Hội nghị cấp cao Nhóm đối tác tài chính công 2016 với chủ đề “Cải cách chi tiêu công”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: Phải cơ cấu lại ngân sách nhằm động viên hợp lý nguồn lực, bảo đảm hợp lý chi thường xuyên, trả nợ, tăng cường quản lý nợ công… Thế nhưng, năm nay, không biết đề xuất tăng nhiều loại thuế (trong đó có VAT) của Bộ Tài chính có phải là sự “động viên hợp lý nguồn lực” như phát biểu năm trước không. Cũng liên quan tới môi trường, nếu mức thuế bảo vệ môi trường được tăng từ 3 nghìn lên 8 nghìn đồng/lít xăng như đề xuất của Bộ Tài chính, không biết giá cả hàng hóa sẽ bị tác động ra sao trong bối cảnh khó khăn này. Trong khi đó, nhà công, đất công, xe công… một số ông (quan chức về hưu) dù bị đòi vẫn khất lần không trả. Chưa kể, nhiều tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa bị méo mó tới mức công ty vận tải thủy đi làm phim truyện; ngân hàng muốn làm cao ốc thay ga Hà Nội…

Oái ăm thay chỉ trong thời gian ngắn, những thông tin trên liên tục xuất hiện bên cạnh tin chi tiêu công tăng, nợ công tăng. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp tư nhân cách đây 2 tháng, khi được hỏi muốn Chính phủ làm gì, 65% con số doanh nghiệp (được hỏi) trả lời: Muốn Chính phủ hành động.

Sự nỗ lực của Chính phủ thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng sức nóng từ trên phải lan tỏa xuống bên dưới. Có như vậy mới mang lại hiệu quả thực sự, mới tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG