Cúm và trách nhiệm

Cúm và trách nhiệm
TP - Lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trong cuộc họp với ngành y tế TPHCM cách đây hai tháng, khi Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H1N1, rằng sẽ xử phạt nặng nếu cửa khẩu nào không làm tròn trách nhiệm để cúm lọt vào Việt Nam.

Xem ra việc xử lý trách nhiệm như lời Bộ trưởng khó mà thành hiện thực bởi, cho đến thời điểm này, cúm A/H1N1 không chỉ lây từ cửa khẩu sân bay hay đường thủy, đường bộ mà còn lan ra cộng đồng.

Còn nhớ ngày 23/7, khi ổ dịch cúm A/H1N1 bùng phát ở trường tư thục Nguyễn Khuyến, lãnh đạo trường này đã thả cửa cho học sinh ra về với việc phát cho mỗi em một chiếc khẩu trang y tế thông thường, mà quên rằng trong số hàng nghìn học sinh đó có em tiếp xúc với học sinh mắc cúm, thậm chí có em đang trong tầm nguy cơ.

Tại sao những người đứng đầu trường này và cả cán bộ y tế địa phương không một câu căn dặn, không tập huấn tự cách ly phòng dịch tại nhà, tại nơi công cộng để các em ra về như vậy? Họ còn lúng túng vì dịch xuất hiện ở trường học chăng? Hay họ quên trách nhiệm của mình với cộng đồng? Hay họ cho rằng trách nhiệm chống dịch là của những người gác cổng.

Trong khi đó, phụ huynh có con bị cách ly hoặc có con mắc cúm đang điều trị tại bệnh viện dã chiến của trường Nguyễn Khuyến nằng nặc đòi đưa con về nhà. Vấn đề ở chỗ chính con họ, khi về nhà hoặc ra cộng đồng, là nguồn lây cho mọi người, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.

Trở lại chuyện hàng chục khách sạn, địa điểm lưu trú khách nước ngoài ở TPHCM từ chối hoặc tìm cách đuổi khách khi biết họ thuộc diện nghi ngờ cúm hoặc liên quan người mắc cúm, cũng thấy phần nào trách nhiệm và ý thức chưa cao của cộng đồng đối với dịch bệnh này.

Đại diện y tế các địa phương trong cuộc họp mới đây cho biết, các khách sạn không ngần ngại cúp điện, cắt nước để từ chối sự lưu trú của người nghi mắc cúm cho dù chính quyền, y tế địa phương yêu cầu khách sạn hợp tác để cách ly.

Trách nhiệm chống cúm như lời ông Nguyễn Trần Chính- GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, là sự nỗ lực của toàn cộng đồng, nhưng phải cụ thể và rõ ràng, chứ không hô hào chung chung. Trường học chống dịch như thế nào, xí nghiệp, khu công nhân  làm việc và cư trú đối phó với dịch ra sao, khu công cộng chống dịch bằng cách gì, tham gia thế nào phải có phương án cụ thể.

Nhưng đến thời điểm này, người ta chỉ đề cập đến khuyến cáo ở những điểm dịch dễ tấn công như trên. Thử hỏi hàng nghìn công nhân, học sinh có nguy cơ nhiễm cúm do tiếp xúc với nguồn lây hiểu biết thế nào về cúm A/H1N1? Họ cần làm gì với cúm?

Dù chưa có điều tra cụ thể nào song có lẽ cũng chỉ phần nhỏ trong số họ biết được những kỹ năng cơ bản. Mà từ biết đến chuyển đổi hành vi lại là cả một quãng không hề ngắn.  Thử hỏi trách nhiệm của phụ huynh ở đâu khi không cho con mình (đang mắc cúm) ở khu cách ly.

Trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi đến nay cúm lan ra cộng đồng nhưng, ngoài đường, chỗ đông người, vẫn không có một tấm pano, áp phích nói về cúm A/H1N1?

Để dịch bệnh không tiếp tục lây lan, không chỉ là nhiệm vụ ngành Y tế, hay người gác cổng ở cửa khẩu mà là của toàn xã hội.

MỚI - NÓNG