Đã đến lúc

Đã đến lúc
TP - Dù là đại hội thường niên nhưng phiên họp toàn thể của LĐBĐ Việt Nam (VFF) hôm qua diễn ra trong bối cảnh không được bình thường cho lắm. Bởi như ông bà ta thường nói, mạnh vì gạo, bạo vì tiền.

> VFF dẹp bỏ tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng

Nhưng hội nghị tổng kết mùa giải được tiến hành trong thời điểm bóng đá Việt Nam được xem là đang khủng hoảng niềm tin và tài chính trầm trọng. Niềm tin thì chưa biết lấy gì để cân đong đo đếm. Nhưng khoản tiền bạc thì nhãn tiền.

Các ông bầu doanh nhân, chủ ngân hàng đang lần lượt nói lời chia tay không hẹn ngày tái ngộ. Đầu tiên là ông chủ của hai đội bóng Đỗ Quang Hiển tuyên bố thoái vốn khỏi Công ty cổ phần thể thao T&T và SHB Đà Nẵng.

Kế tiếp là chuyện chỉ vài ngày trước đây, chủ tịch CLB bóng đá Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ, sau vài tuần "biến mất" đã gửi thư cho LĐBĐ TPHCM với nội dung từ nhiệm vị trí ông bầu của CLB và muốn chuyển giao đội cho TPHCM.

Ngay cả nhà tài trợ chính cho V-League là Eximbank của Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Eximbank) cũng từ bỏ ý định tài trợ cho cúp bóng đá TPHCM vào cuối năm…

Trong ngày hôm qua, VFF cũng phải đề nghị xóa nợ khoảng 1,9 tỷ đồng cho ba CLB vì đây là những khoản rất khó đòi: Các con nợ gần như không còn khả năng thanh toán khi các ông bầu ra đi.

Tuy nhiên, chuyện ra đi của giới doanh nhân, ngẫm kỹ chưa chắc đã phải điều dở, ít nhất là xét trên toàn cục, đối với nền bóng đá nước nhà.

Bởi trong khoảng 10 năm đổ lại, sự tham gia của các ông bầu khiến bóng đá Việt Nam thay đổi chóng mặt. Mùi kim tiền lan khắp các sân đấu. Giá chuyển nhượng từ mức vài trăm triệu, nay được tính toàn bằng tiền tỷ. Giá của các ngoại binh cũng liên tục tăng.

Lương, thưởng của các cầu thủ cao ngất. Bóng đá Việt Nam bắt đầu quen với khái niệm ngôi sao bóng đá, cầu thủ thu nhập tiền tỷ, đi xe siêu sang, cặp với chân dài nổi tiếng, gia nhập làng showbiz...?

Trong khi đó, dường như luật chơi nằm cả trong tay các ông bầu. Đội xuống hạng lại có thể bỏ tiền ra “mua suất” thăng hạng. Một ông có thể nắm hai đội bóng cùng thi đấu trong một giải. Thậm chí, nếu không thích, các ông bầu có thể nắm tay nhau lập ra giải riêng...?

Nhưng rồi nền bóng đá Việt Nam nhận được gì? Là sự trì trệ, thất bại liên tiếp trong những lần thi đấu quốc tế, là sự giẫm chân tại chỗ trong khi các nước láng giềng không ngừng tiến bộ, cho dù scandal thì ngày càng nhiều, bê bối nhiều hơn thành tích.

Đã đến lúc bóng đá Việt Nam nên nhìn thẳng sự thật và nhận thức rõ mình đang đứng ở đâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG