Đại biểu của dân

Đại biểu của dân
TP - Điều 79 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 ghi rõ : “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”.

Còn điều 80 Hiến pháp 2013 ghi: “Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”.

Như vậy, khi ĐBQH thực thi trách nhiệm của mình, phát biểu hay chất vấn trên diễn đàn quốc hội những vấn đề cử tri quan tâm, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm phải giải trình theo quy định của Hiến pháp. Trái lại, nếu không trả lời mà lại yêu cầu ĐBQH phải giải trình liên quan tới phát biểu của họ trên diễn đàn quốc hội là đi ngược lại với tinh thần của Hiến pháp.

Quốc hội nước ta hiện có tới 70% ĐBQH kiêm nhiệm, nghĩa là số đại biểu này phải đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm ở hai vị trí, cả ở cơ quan mình công tác lẫn ở Quốc hội. Để hài hòa và làm tốt cả hai nhiệm vụ này không hề dễ, bởi trong nhiều trường hợp ĐBQH phải phát biểu, phản ánh ý kiến cử tri về chính những bất cập của ngành hoặc lĩnh vực mình đang công tác hoặc phụ trách.

Thực tế cho thấy, đã đến lúc cần có một cơ chế để các đại biểu này dám thẳng thắn nói tiếng nói góp ý của dân về chính ngành mình, bộ mình. Có như thế họ mới làm tròn được trọng trách của dân giao phó.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về phẩm chất cần có của một ĐBQH, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến nói: “Đặc thù của ĐB là nói tiếng nói của dân, phản ánh cái dân đang nghĩ, đang mong muốn. Không vì chỗ đứng hay chỗ ngồi của mình mà nói khác đi. Đấy là cái quan trọng nhất. Nếu anh không dám nói tiếng nói của dân trước diễn đàn QH thì anh chưa đại diện cho dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ của ĐBQH”.

Ngoài trách nhiệm, lương tâm và dũng khí của một người đại biểu của dân như ông Lê Như Tiến đề cập, thiết nghĩ việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cũng là một việc cấp thiết. Có như vậy họ mới toàn tâm, toàn ý để làm đúng, làm đủ việc trọng dân giao. Đó là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thay mặt Nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

MỚI - NÓNG