Đại biểu quốc hội được thuê chuyên gia?

Đại biểu quốc hội được thuê chuyên gia?
TP - Hiện nay và thời gian tới, hơn 90 phần trăm sáng kiến lập pháp vẫn do Chính phủ kiến nghị. Chính phủ cũng vẫn là cơ quan trình dự án, chỉ đạo soạn thảo, xây dựng và triển khai thực hiện.

Quan niệm lâu nay là, Chính phủ có động lực, có nguồn lực thì để Chính phủ soạn thảo dự luật. Sau đó,  Quốc hội thẩm tra, rồi nếu thấy không có vấn đề gì về lợi ích thì mới cho thông qua. Vậy vai trò của cá nhân đại biểu quốc hội trong quy trình lập pháp thế nào?

Theo pháp luật hiện hành, cá nhân đại biểu quốc hội được trao quyền tham gia làm luật ở nhiều công đoạn. Và sẽ là tốt nhất nếu đại biểu có thể tham gia tích cực và hiệu quả vào tất cả các công đoạn.

Nhưng, trên thực tế, điều này hầu như chưa thực hiện được. Cho đến nay, chưa có cá nhân đại biểu quốc hội nào trình một dự án luật.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, hiện đại biểu và các Ủy ban của Quốc hội ít có động lực về sáng kiến lập pháp, nếu có thì lại thiếu nguồn lực để triển khai.

Theo GS Thuyết, Chính phủ (cơ quan hành pháp) có động lực làm luật vì chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đồng thời Chính phủ có đủ nguồn lực để đi sâu những ngõ ngách, chi tiết nhất của vấn đề. 

GS Thuyết cho hay, nhiệm kỳ trước, chỉ duy nhất một ý tưởng lập pháp kèm thiết kế và các lần dự thảo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường trở thành luật. Đó là Luật Giao dịch Điện tử (thông qua cuối năm 2005). Nhiệm kỳ này, sau hai năm, chưa có ý tưởng lập pháp tương tự.

Đại biểu quốc hội hoạt động độc lập, quyết định theo đa số và hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực thuộc chức năng  và quyền hạn hiến định và luật định. Hiện, các vụ chuyên môn ở Văn phòng Quốc hội chủ yếu giúp việc cho lãnh đạo ủy ban, các đại biểu chuyên trách ở các ủy ban thiếu người giúp việc, còn các đại biểu không chuyên trách hầu như không có người giúp việc.

Điều này vô hình trung gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động của các đại biểu vốn có địa vị pháp lý ngang nhau.

Có cảm giác, đa phần các đại biểu quốc hội luôn phải tự mình mò mẫm tìm kiếm thông tin. Đến mức, PGS.TS Nguyễn Đăng Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong hội thảo mới đây về đổi mới tổ chức và hoạt động Văn phòng Quốc hội đã kiến nghị, cần phải có văn phòng giúp việc cho mỗi đại biểu hoặc chí ít mỗi đại biểu phải có trợ lý và sự phục vụ đắc lực của “các nhà lập pháp không được bầu”-tức đội ngũ chuyên viên và chuyên gia.

Theo TS Dung, ở Mỹ, mỗi nghị sĩ có từ hai đến bốn văn phòng trợ giúp hoạt động của họ. Các công việc trợ giúp gọi là dịch vụ quốc hội và có thể được tư nhân hóa. Mỗi nhiệm kỳ, hạ nghị sĩ được cấp một triệu USD, còn thượng nghị sĩ nhận 1,7-3 triệu USD  để nuôi văn phòng và thuê các dịch vụ cần thiết.

GS Thuyết cho biết, ở Indonesia, nghị sĩ sẽ được trả lương 4.000 USD/tháng, trong đó một nửa là để nghị sĩ thuê chuyên gia và giúp việc. Vấn đề là ngân sách có đủ điều kiện để áp dụng chế độ kiểu như trên với 500 đại biểu của Quốc hội Việt Nam?

Nếu bản thân mỗi đại biểu quốc hội vừa chuyên nghiệp, vừa có được trợ giúp bởi dịch vụ thông tin, tham vấn và nghiên cứu chuyên nghiệp thì chắc chắn sản phẩm họ làm ra sẽ tốt hơn.

Việt Nam chưa có tiền lệ và  kinh nghiệm về việc cho các tổ chức khác tham gia làm luật. Tương lai có thể thực hiện được nếu có cơ chế. Nhưng bao giờ?

MỚI - NÓNG