Dân lo ngộ độc

Dân lo ngộ độc
TP - Tuy là nước nông nghiệp nhưng lâu nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn hoa quả, nông sản từ khá nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc.

Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi chúng được chuyển tới các chợ đầu mối, siêu thị, để từ đó vào nhà dân, còn khá sơ sài lỏng lẻo. Hiện cơ quan được giao kiểm soát chính tại các cửa khẩu là các trạm kiểm dịch thực vật (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT). Nhưng các trạm này cũng chỉ kiểm tra về dịch hại (côn trùng, mầm bệnh, cỏ dại...) còn việc kiểm tra chất độc hại (dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản...) thì bỏ ngỏ.

Người dân buộc phải tự bảo vệ bằng máy nonan rửa, khử độc hoa quả trước khi ăn. Nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện mua máy nonan, và cũng chẳng biết chiếc máy này có khử được chất độc trong rau quả? Nên sức khoẻ người dân luôn bị đe dọa, luôn canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm Việt Nam có 189 vụ ngộ độc thực phẩm làm 6.633 người bị ngộ độc, gây tử vong 52 người mỗi năm. Nếu như vài năm trước đây, ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 70%) thì tới năm 2010, ngộ độc do hóa chất chiếm tới trên 60%. Con số ấy đòi hỏi cơ quan chức năng phải nâng cao được năng lực kiểm soát hoá chất độc hại trong thực phẩm.

Tuy nhiên, kể cả sau ngày 1-7, khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, thì các trạm kiểm soát thực phẩm ở các cửa ngõ của đất nước vẫn chưa kiểm soát được chất độc hại trong thực phẩm. Muốn kiểm tra, phải lấy mẫu xét nghiệm, gửi về 1 trong 16 phòng thí nghiệm hoặc hai trung tâm kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước. Nhưng nói như lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, thì “chúng ta phải chấp nhận sự rủi ro”. Bởi muốn có kết quả kiểm tra, phải 3-4 ngày, trong khi đó hàng hoá vẫn phải thông quan trong vòng 24 giờ. Như vậy, nỗi lo ăn phải rau quả độc hại còn treo lơ lửng trước miệng người dân.

Đó mới là câu chuyện của người gác cửa. Còn ở trong nước, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay vẫn chưa phân định rõ. Bởi trong sản xuất rau, lương thực, chăn nuôi do ngành Nông nghiệp quản lý; còn sau khi khai thác giết mổ đưa ra thị trường thì do ngành Công Thương quản lý và đến tay người tiêu dùng, bếp ăn thì do ngành Y tế quản lý. Vẫn là ba bộ quản an toàn mâm cơm của người dân.

Khi nào trách nhiệm chưa được phân định rõ, chưa nâng cao được năng lực kiểm soát chất độc hại trong thực phẩm, khi ấy sức khỏe người dân còn bị đe dọa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG