Đánh cối xay gió

Đánh cối xay gió
TP - Xem danh sách các địa chỉ “thực phẩm bẩn” được một diễn đàn nhà báo có nhiều nghìn thành viên điểm danh mới đây thì giật mình tự hỏi thực phẩm bẩn là gì. 

 “Thực phẩm bẩn” nóng rẫy kể từ sau phản biện của Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng ngày 30/3: “Anh Phát và chị Tiến (Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Y tế - PV) nói các bộ phối hợp với nhau rất tốt nhưng tại sao dân vẫn phải ăn bẩn”. 

Bim bim “tem nhãn không ghi rõ thành phần” của một cơ sở tại xóm Chùa Tổng (của Hà Tây cũ), một nhà hàng tiệc cưới ở TPHCM “không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại”, v.v…, thảy đều được đưa vào danh sách đen. 

Những hành vi nêu trên không ai chấp nhận nhưng nếu quy chúng vào “thực phẩm bẩn” thì chống kiểu gì đây? Ngay cả “Cơ quan Quản lý An toàn Vệ sinh Thực phẩm” thuộc UBND TPHCM vừa được đề xuất thành lập sau lệnh của Bí thư Thăng liệu có chống được cái gọi là “bẩn” như thế không?


Có hay không tâm chúng ta đang rối  khiến ta không biết đường nào mà lần? Thứ nhất, chúng ta rối đến mức dường như không mấy quan tâm đến các dữ liệu khoa học, đến các chứng cứ khách quan. Tại Hội thảo “Vì thị trường thực phẩm” ngày 26/3 ở TP.HCM, một đại diện Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng VN cho biết năm 2000 chỉ có 69.000 ca mới mắc ung thư, còn năm 2015 số ấy là 150.000. Sao ông không đề cập một trong những nguyên nhân tăng là do hệ thống tầm soát ung thư hoạt động hiệu quả hơn và người mắc chủ động đến bệnh viện hơn do kỹ thuật điều trị sẵn hơn? Rồi đã có điều tra nào ở VN về quan hệ giữa ăn uống và ung thư chưa? Rồi số liệu 35% ung thư ở VN do ăn uống lấy từ đâu?

Thứ hai, như đã bàn qua ở danh mục trên diễn đàn nọ, chúng ta rối đến mức cũng không phân biệt thế nào là bẩn để có thể có đối sách thích hợp.  “Dân vẫn phải ăn bẩn” gây sốc theo nhiều nghĩa. Nếu hiểu bẩn là khâu vệ sinh thì trúng phóc. S.Bales, Mỹ, sống gần 20 năm  ở VN vẫn không thể ra quán. Mỗi lần như vậy chị té re ngay. Jodie, Úc, vừa kết thúc thực tập tại Tổ chức Y tế Thế giới ở Hà Nội. Cô ngạc nhiên nhiều nhà hàng ăn uống ở VN ngập giấy vệ sinh trên sàn. Tại  một Café Trung Nguyên đẹp mê hồn trên Phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, khách đành  nhịn về nhà vì không chịu nổi cái toilet.

Vấn đề ở chỗ mối quan hệ giữa mất vệ sinh với ung thư khác rất nhiều quan hệ giữa hoá chất trong thực phẩm với ung thư. Chiến lược ứng phó với hai yếu tố nguy cơ ấy, vì thế, cũng khác nhau một trời một vực. Cái mà dư luận lo ngại nhất bây giờ chính là cái không nhìn thấy, là hoá chất trong thực phẩm. Vậy mà, như một bài trên VietnamNet mới rồi, “bẩn” giờ đây thành từ khoá vạn năng, ngáo ộp vô hình che lấp kẻ thù thực sự trong thực phẩm. Chúng là những loại hoá chất có tên Latin đàng hoàng thì bây giờ ẩn nấp dưới từ ‘bẩn’ vô nghĩa. 

Từ luận đề “Đồi có lửa cháy”, Nyaya - một trường phái triết học Ấn Độ cổ đại – cho là “Vì đồi có khói”. Bây giờ ở VN, với luận đề “Ngày càng nhiều người ung thư”, thế là phán “vì thực phẩm bẩn”. Đúng không? 
Đúng là “đồi có lửa cháy” nhưng đâu phải chỉ do đồi có khói. Ngay cả khi do khói, cũng phải xác định đấy là khói gì thì mới có cách dập hữu hiệu. Bằng không, sẽ phải tự hỏi ta đang tuyên chiến với cái gì. Nếu xác định “thực phẩm bẩn’ rộng lớn mơ hồ đến mức không nhận diện được cụ thể, sẽ tuyên chiến với chúng ra sao đây?

MỚI - NÓNG