Đánh đổi

Đánh đổi
TP - Nghi bị ăn cắp điện thoại Iphone 6 Plus, khách hàng ngồi ghế thương gia trên chuyến bay của Vietnam Airlines đã lập tức tát nữ tiếp viên hàng không khiến cô phải xin nghỉ 3 ngày để tĩnh dưỡng.

Đây được coi là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay do nữ tiếp viên bị ảnh hưởng tinh thần khi làm nhiệm vụ.

Chuyện sẽ không quá gây bão và cũng không có gì để nói nếu vị khách ngồi ghế VIP bình tĩnh lại, yêu cầu tiếp viên lập biên bản sự việc. Phút nóng giận với cú tát trực diện khiến người hành hung lĩnh án phạt 15 triệu đồng và bị cấm bay trong vòng 6 tháng dường như vẫn chưa khiến cư dân mạng cảm thấy hài lòng. Nhiều người khẳng định, hành vi thô lỗ và bạo lực này bị xử lý quá nhẹ, cần cấm bay vĩnh viễn với vị khách 46 tuổi trú tại quận Thủ Đức, TPHCM nói trên.

Trong hoạt động hàng không dân dụng, lực lượng tiếp viên hàng không có nhiệm vụ phục vụ hành khách và cũng chính là người đảm bảo tính mạng cho toàn bộ hành khách trên mỗi chuyến bay. Việc hành hung tiếp viên không chỉ là hành vi xúc phạm cá nhân tiếp viên đó mà còn làm ảnh hưởng việc đảm bảo an toàn chung cho chuyến bay nếu tiếp viên mất tinh thần làm việc.

Trong lĩnh vực hàng không, các phòng chờ, khoang hạng thương gia vốn là nơi dành cho những khách hạng sang, “có điều kiện”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải khách nhiều tiền nào cũng có thái độ ứng xử đúng mực, lịch sự hơn những khách hàng bình dân khác. Chuyện nữ tiếp viên hàng không bị hành hung, bị hắt nước sôi, ném thức ăn vào mặt, thậm chí bị khách VIP sàm sỡ, quấy rối công khai trên các chuyến bay không phải là hiếm gặp.

Việc khách hàng ngồi ghế VIP ra tay với tiếp viên thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều. Hồi cuối năm 2015, dư luận một phen xôn xao khi giám đốc một doanh nghiệp trong ngành xây dựng dùng điện thoại vỗ vào mông tiếp viên ngoại đang phục vụ trên chuyến bay của hãng hàng không Vietjet đi Vinh rồi bật cười sảng khoái. Cảm thấy bị xúc phạm, tiếp viên lập tức thông báo cho cơ trưởng và vị khách này cũng bị cơ quan chức năng xử lý sau đó.

Trong vốn từ của người dân Việt Nam, “trọc phú” vốn là từ được dành cho những người có tiền nhưng nghèo văn hóa. Ngoài án phạt từ cơ quan chức năng, hành động của người khách nam ngồi ghế VIP phải trả giá đắt khác khi bị cộng đồng mạng lật tẩy toàn bộ thông tin đời sống cá nhân (dù hãng hàng không đã tế nhị không nêu danh tính) và gán cho biệt danh “côn đồ lắm tiền”. Nhiều facebooker cũng lên tiếng yêu cầu hãng hàng không cần trang bị các quy chuẩn chung cho tiếp viên để ứng xử đủ lịch thiệp nhưng không hề thiếu sự kiên quyết đối với những kẻ nhiều tiền nhưng thiếu “văn hóa ứng xử nơi công cộng” như trường hợp nói trên. Sẽ là sự đánh đổi không hề dễ với các hãng hàng không khi phải làm phép toán giữa việc nói “không”, thậm chí sẵn sàng từ chối phục vụ vĩnh viễn, để đổi lấy việc đặt ra luật chơi buộc những khách hàng có nhiều tiền nhưng lại “coi tiền hơn tất cả” phải tự phải nâng cao văn hóa khi “bay”.

MỚI - NÓNG