Đánh trống bỏ dùi

Đánh trống bỏ dùi
TP - Một cơ quan cấp bộ, người đứng đầu là thành viên Chính phủ, có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thế, mỗi khi cơ quan này đưa ra chính sách, nó tác động tới toàn dân.

Nếu chính sách tốt, được tổ chức bài bản, vào được cuộc sống thì góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, lập lại trật tự xã hội ở lĩnh vực mà bộ được giao quản lý nhà nước. Còn nếu ngược lại, nó kìm hãm sự phát triển, thậm chí gây bất an cho dân chúng cả nước.

Nói thế để thấy rằng, bất kỳ chính sách nào mà cơ quan cấp bộ đưa ra, đều cần phải được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể vội vàng. Tuy nhiên, nhìn vào hàng loạt các đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, liên quan thị trường bất động sản, người ta không khỏi không băn khoăn, suy nghĩ.

Trước hết là dự thảo Thông tư quy định về việc sử dụng căn hộ nhà chung cư làm văn phòng. Nếu thông tư này được Bộ xây dựng ký ban hành, nó đi ngược lại với chính quan điểm của bộ này, tại một công văn (số 2544) cách đây hai năm, cấm sử dụng chung cư làm văn phòng.

Với quan điểm ấy, người ta thấy rõ, sau hai năm lệnh cấm trên không được thực thi (dù được các cư dân ở chung cư và báo chí ủng hộ), thì nay lại quay ngoắt 180 độ, cho phép chủ sở hữu được dùng căn hộ chung cư (để ở) làm văn phòng giao dịch.

Sự thất bại trong việc thực thi chính sách, một phần do bộ này ban hành thể thức văn bản quy phạm pháp luật không đúng (công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật), một phần do sau khi ban hành không tổ chức thực hiện tốt.

Với việc cho phép dùng chung cư làm văn phòng, nó sẽ đi ngược quyền lợi của những người mua chung cư làm nơi sinh sống, sinh hoạt gia đình. Chưa kể, nếu được thực thi, chính sách này sẽ cổ suý cho việc đầu cơ căn hộ (không lướt sóng được thì cho thuê làm văn phòng vẫn có lời). Bởi thực tế, không ai có nhu cầu mua căn hộ để ở lại dùng làm văn phòng.

Mới đây, Bộ Xây dựng còn đề xuất Bộ Tư pháp nghiên cứu, xoá bỏ việc công chứng các giao dịch nhà ở. Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, hiện các giao dịch nhà ở tuy đã được công chứng nhưng vẫn phải làm thủ tục sang tên tại cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thế, việc công chứng chỉ làm tăng thêm thủ tục hành chính và chi phí tốn kém cho người dân.

Bản chất của công chứng là định chế pháp lý văn minh, được các nhà nước pháp quyền sử dụng từ lâu. Bởi nó không chỉ chứng thực cho các hành vi pháp lý, lập chứng lý, mà còn giúp các bên tham gia giao dịch dân sự tránh được những rủi ro không đáng có. Còn khi có rủi ro, thì các bên tham gia giao dịch sẽ được công chứng bồi thường. Nếu bỏ công chứng giao dịch bất động sản, ai sẽ là người bồi thường, nếu phát sinh rủi ro trong mua bán nhà?

Chưa kể, nếu bỏ công chứng, ai dám đảm bảo công chức ngành xây dựng sẽ không hành những người dân, đến cậy nhờ làm thủ tục sang tên sở hữu nhà?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG