Đạo đức ngân hàng

Đạo đức ngân hàng
TP - Trước khi rời nhiệm sở để nghỉ hưu, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tiền tệ Quốc gia, đã phải thốt lên rằng “chưa khi nào đạo đức ngân hàng xuống thấp như hiện nay”.

> Nền kinh tế Việt Nam trước ngã ba đường

Theo ông Nghĩa, nếu ví nhân viên, NHTM là biểu tượng, là thước đo sức khỏe của nền tài chính tiền tệ, thì với kiểu làm ăn chụp giật,

chạy đua bằng mọi giá để giành giật khách hàng gửi tiền, lợi nhuận... thì họ có còn giữ được hình ảnh sang trọng, sức khỏe đáng tin cậy của nền tài chính tiền tệ?

Một chủ doanh nghiệp nói rằng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay “rửa tay gác kiếm” là thượng sách. Bởi khó kinh doanh gì có được lợi nhuận ở thời điểm này.

Tuy các ngân hàng đều đưa ra gói lãi suất rẻ, nhưng muốn vay được không dễ. Lãi suất vay trung và dài hạn, ít cũng 16-17%/năm, doanh nghiệp muốn được giải ngân đúng tiến độ, phải chi phí “bôi trơn” từ 2-3% trên tổng số tiền giải ngân.

Cộng với 10% chi phí quản lý, thực hiện dự án, cộng thêm mức trượt giá (ít nhất bằng lạm phát) khoảng 10%... Như thế, một dự án nếu hạch toán lợi nhuận chỉ đạt 40% thì coi như mới hoà vốn.

Mà trong bối cảnh hiện nay, làm gì để có lời tới 40%? Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, nợ lương nhân viên, còn bản thân ông chủ cũng phải tự “thắt lưng buộc bụng”.

Cùng trong một bức tranh kinh tế, nhưng có hai màu tương phản rõ rệt. Một bên là các ngân hàng (chủ nợ) vẫn rực rỡ sắc màu, thù lao, lương bổng tới cả triệu đô la, một bên là chủ các doanh nghiệp (con nợ) nợ đầm đìa, phải cắt giảm nhân công, chi phí tối đa để giảm nguy cơ vỡ nợ...

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng là doanh nghiệp đặc biệt, song lạ là lâu nay, việc kiểm soát hoạt động của những nhà băng này, nhất là kiểm soát chi phí, lại ít được quan tâm.

Chủ một ngân hàng TMCP nhỏ bộc bạch, đôi khi ông toát mồ hôi vì phải chạy đua cạnh tranh với ngân hàng lớn. Chạy đua từ giá thuê điểm giao dịch, thù lao cho đội ngũ nhân viên, đến lãi suất huy động (khi phải lách trần)...

Và kết cục của những cuộc chạy đua ấy, chính là chi phí ngân hàng ngày càng tăng lên, được đẩy vào lãi suất cho vay.

Cuối cùng, người phải gánh những chi phí cao ngất ấy, chính là các con nợ - doanh nghiệp. Hệ luỵ, chi phí giá thành của nền kinh tế tăng cao, hàng hoá khó cạnh tranh. Điều này, một phần lý giải vì sao lãi suất cho vay thời gian qua khó hạ.

Đạo đức kinh doanh được tạo lập từ hai yếu tố chính: Môi trường kinh doanh và hệ thống pháp luật. Với thực tế kinh doanh kiểu “chụp giật” như hiện nay, người ta không thể kêu gọi, mong thức tỉnh đạo đức của giới chủ ngân hàng, mà vấn đề là phải có chế tài pháp luật nghiêm minh để giám sát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG