Đất sống của tín dụng 'đen'

Đất sống của tín dụng 'đen'
TP - Một loạt vụ án liên quan cầm cố, xiết nhà xảy ra tại TPHCM thường gặp nhau ở một điểm: Người dân thiếu hiểu biết pháp luật, trong khi giới cho vay nặng lãi luôn giăng đủ loại bẫy.

> Mất nhà vì tín dụng 'đen'
> Nhiều chủ nợ bật khóc

Không kể những trường hợp mất nhà do ham mê cờ bạc, hoặc thiếu tiền ăn chơi, đã có rất nhiều gia đình lương thiện bỗng chốc rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì tín dụng “đen”. Có nhiều lý do khiến người dân rơi vào bẫy: Một vụ tai nạn, phát bệnh hiểm nghèo, thiếu tiền làm ăn. Thậm chí có nhiều trường hợp là nhẹ dạ cả tin…

Điển hình là trường hợp của ông Trịnh Thái Cùng, 51 tuổi, ở phường 2, quận Tân Bình, TPHCM. Tuy không phải người giàu có, nhưng ít ra ông còn có cái nhà chui ra chui vào. Vậy mà chỉ một cú ngã xe phải vào viện, một khoản vay nóng 70 triệu đồng trang trải viện phí và sau hai năm, với mức lãi 3%, ông bà mất nhà, đành sống qua ngày trên một con thuyền dập dềnh trên dòng kênh Tẻ.

Theo luật sư Phạm Ngọc Lâm – đến từ Công ty luật Công Anh (TPHCM), cho vay lãi cao rồi xiết nhà từ trước tới giờ được coi là cung cách hoạt động của xã hội đen. Tuy nhiên, trước tòa, các hoạt động này vẫn được xem là giao dịch dân sự. Chính vì vậy, số vụ xiết nhà liên quan các hoạt động cho vay nặng lãi vẫn phổ biến. Và những người dân thiếu hiểu biết pháp luật vẫn không ngừng trở thành miếng mồi ngon của các đối tượng hoạt động tín dụng “đen”.

Nhưng vì sao đã có nhiều vụ án, nhiều người mất nhà liên quan tín dụng đen nhưng số nạn nhân vẫn liên tiếp xuất hiện? Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đại tá Hồ Sỹ Tiến đã nhận định rằng bấy lâu nay, “cơ quan chức năng hoặc là bị bỏ quên, hoặc là chưa sâu sát quan tâm vấn đề tín dụng ngoài luồng. Đến khi các vụ vỡ nợ lớn diễn ra thì lúc này mới thực sự quan tâm”.

Cũng có thể nói, một phần do kinh tế khó khăn, việc cho vay của nhiều ngân hàng gặp bế tắc nên tín dụng “đen” mới có đất sống. Nhưng những người cần tiền kinh doanh lớn gặp khó với ngân hàng, những người ham mê đỏ đen hoặc tiêu xài phung phí hoặc đơn giản là người hám lãi suất cao dính vào tín dụng ngoài luồng đã đành. Chỉ vì món nợ vài chục triệu đồng do gặp khó bất ngờ mà gia đình bỗng chốc trở thành vô gia cư, thì rất xót xa. Liệu có phải hệ thống an sinh xã hội của chúng ta còn chưa vững?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG