Đâu là lối ra?

Đâu là lối ra?
TP - Chuyện các dự án, công trình sau khi được cấp phép xong chỗ thì âm thầm lặng lẽ đánh dấu lãnh địa, nơi thì làm lễ khởi công rầm rộ, rồi thi công vài ba hạng mục, nhưng điều chung nhất là chỉ sau một thời gian các dự án, công trình này tịnh không bóng người, trơ lì cùng nắng mưa.

Dạng các công trình, dự án này nhiều đến mức gần như phổ biến từ chốn  đô thị năng động đến những tỉnh nghèo heo hút. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có chủ trương chỉ đạo các địa phương rà soát, xử lý thu hồi các dự án treo, quây tôn, đắp chiếu để giải tỏa cho sự bức xúc của người dân cũng như mở đường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực khác. Tuy nhiên, chỉ đạo là một chuyện, còn việc thực hiện lại là chuyện khác.

Đừng vội phán quyết ngay rằng chính quyền nhiều cấp đang bất tuân thượng lệnh hay tái diễn chuyện “ trên bảo dưới không nghe”. Cơ sở cũng đang vướng bao nỗi khổ tâm. Vì thế số dự án bị thu hồi so với số đang hiện hữu chỉ ở con sô phần nghìn. Biện minh cho thực tế này, mẫu số chung mà các địa phương đưa ra thuyết phục và giản dị rằng: Do các dự án đã thu tiền sử dụng đất, nộp vào ngân sách và nhà đầu tư đã triển khai một số hạng mục trên đất, nay thu hồi thì địa phương khó có tiền hoàn trả cho nhà đầu tư.

Vậy có biện pháp nào tháo gỡ tình trạng này, đẩy nhanh tiến độ, cải thiện việc thu hồi các dự án đắp chiếu?

Theo Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, thì “đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Quy định tường minh và rõ ràng như vậy, nhưng thực tế để thực thi nó không hề dễ. Các chủ doanh nghiệp thường áp dụng chiêu lách luật chấp nhận xin gia hạn.  Đó là chưa kể tới việc, trong thời gian gia hạn, chủ đầu tư có thể xin điều chỉnh quy hoạch dự án, sau đó lấy lý do này để xin gia hạn thêm thời gian triển khai. Việc thu hồi dự án đã khó lại càng nan giải.  Chiêu “ sói gửi chân” chờ thời cố giữ những khoảnh, những vùng đất vàng, đất bạc đang khá phổ biến. Một thứ triết lí kinh doanh “ Chưa ăn được thì cố mà giữ” đã và đang chặt đứt cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực đến sau. Vậy chính quyền các cấp bất lực trong câu chuyện này?

MỚI - NÓNG