Đâu rồi thực học?

Đâu rồi thực học?
TP - Khoảng 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước năm nay thở phào nhẹ nhõm, bởi họ chỉ còn phải thi 4 môn thay cho 6 môn như trước đây.

Đây được coi là một động thái trong tiến trình đổi mới thi cử - nút bấm quan trọng cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà.

Chợt nhớ lại thế hệ cuối 6X đầu 7X như chúng tôi, hồi đó thi tốt nghiệp cấp 3 cũng đã 4 môn, trong đó có môn ngoại ngữ là tiếng Nga. Thời đó, thi tốt nghiệp hay đại học nhẹ tênh, chẳng hề ồn ào ầm ĩ, không lò luyện cũng không tư vấn tuyển sinh rầm rộ như bây giờ. 

Thời ấy, cả trường ĐHBK Hà Nội (vẫn diện tích, khuôn viên như bây giờ) tuyển sinh mỗi khóa có 500 sinh viên, bằng đúng một phần mười số lượng tuyển sinh hiện nay, và hình như chỉ bằng số lượng sinh viên được gọi là hệ “chất lượng cao” hay “kỹ sư tài năng” gì đó mà thôi.

Vẫn biết mỗi thời một khác, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thời phổ cập đại học, thời tốt nghiệp đại trà 98-99% như bây giờ rất khác xưa. Chỉ buồn và lo rằng số người học tăng lên gấp bội, song chất lượng đào tạo dường như lại tụt lùi, không theo kịp đòi hỏi của xã hội.

Thời ấy, cả lớp phổ thông chúng tôi chỉ có vài người được danh hiệu HS giỏi, chứ đâu có tới 100% HS giỏi như lớp con gái tôi đang học tiểu học bây giờ. Bệnh thành tích, sức ép vô hình hiện nay khiến nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, kéo theo một sự lãng phí khổng lồ về thời gian và tiền bạc của cả xã hội.

Hậu quả là, cử nhân thậm chí thạc sĩ thất nghiệp, phải đi làm công nhân đâu có hiếm. Còn công nhân lành nghề lại bói không ra. Cái sự thực học xưa nay đâu rồi ?

Chính vì vậy tại phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2 vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đề nghị sớm đổi mới tuyển dụng công chức bởi : “Học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu. 

Nếu không làm được vấn đề tuyển dụng thì cái thực học còn khó” - ông Luận nói. Như thế, cái gốc của đổi mới giáo dục lại có căn nguyên từ việc sử dụng và tuyển dụng cán bộ trong bộ máy nhà nước.

Sâu xa là vậy, song nếu ngẫm cái sự cải cách giáo dục của ta lại thấy rằng, không ít câu chuyện thay đổi một hồi, “tít mù vòng quanh” lại về đúng cái ban đầu. Cải cách chữ viết “có bụng - không bụng - rồi lại có bụng”, thi tốt nghiệp “4 môn - 6 môn - rồi lại 4 môn”… cho thấy dường như nhiều thập niên qua, sự cải cách nền giáo dục nước nhà vẫn chưa trúng?

Hy vọng lần này, Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo sắp ra mắt do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch sẽ đề ra được một chương trình hành động đúng đắn, khả thi và thiết thực. Được như vậy, chỉ 10-15 năm nữa thôi, những thế hệ đầu tiên của đổi mới giáo dục sẽ được hưởng thành quả, và chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực mới xứng tầm đưa đất nước đi lên.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.