Đẩy khó cho doanh nghiệp

Đẩy khó cho doanh nghiệp
TP - “Tôi nhận thấy tình hình cải cách hành chính có nhiều “tiến bộ”, nhưng theo đà ngày càng rối rắm, phúc tạp và dích dắc; gây khó khăn nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Văn phòng chính phủ) không ngần ngại nói.

> Thiệt hại lớn thuộc về doanh nghiệp
> Điều hành giá đảm bảo lạm phát ở mức một con số

Và, theo ông Dũng, việc Bộ Tài Chính đưa ra dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế là một ví dụ điển hình cho việc gây nhiêu khê và đẩy những kho khăn về cho DN.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, hàng hóa nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công sẽ được hưởng ân hạn thuế đến 275 ngày.

Cộng đồng DN nhìn nhận đây là một chính sách có tác động tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, chính sách này đang có nguy cơ biến mất bởi sự ra đời của dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế.

Nếu dự thảo này trở thành hiện thực, hàng vạn DN sản xuất khẩu sẽ rơi vào thế nguy nan bởi không còn được hưởng chính sách ân hạn thuế nhập khẩu nguyên liệu (để sản xuất xuất khẩu).

Ngoài ra, DN còn bị nhiều ràng buộc và tăng thêm nhiều chi phí do việc bảo lãnh của ngân hàng. Các DN cũng sẽ mất đi nhiều cơ hội kinh doanh vì mất dần tính tự chủ.

Cơ sở chính để các nhà chấp bút dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế đi đến tước bỏ động lực phát triển của DN là có tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ nợ thuế và trốn thuế của một bộ phận DN.

Có thể, cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế lo ngại về những thất thoát cho ngân sách. Song, việc đánh đồng các DN chấp hành tốt và tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan DN không nợ thuế quá hạn, với một số DN chây ý, trốn thuế để áp dụng quy định bắt buộc phải nộp thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng là không công bằng.

Điều này, tạo tâm lý bất bình cho nhiều DN khi họ đang thực hiện và chấp hành tốt các quy định pháp luật.

Việc đề xuất dự thảo quy định kể trên của Bộ Tài chính là chưa xem xét hết mục đích và lợi ích lớn của chính sách hiện hành, cũng như chưa xem tới khó khăn hiện tại của phần lớn các DN xuất khẩu Việt Nam khi mà mọi chi phí đầu vào đều tăng, giá thành sản xuất tăng, hạn mức tín dụng khó khăn và nguyên liệu thiếu hụt dai dẳng.

Đang rất khó khăn, các DN sản xuất xuất khẩu không những không được hỗ trợ để tháo gỡ mà lại còn được bồi thêm nút thắt mới và bị đẩy đến gần với khó khăn hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG