Dạy vẹt, học vẹt

Dạy vẹt, học vẹt
TP - Ở nước ta bấy lâu nay, sách giáo khoa (SGK) luôn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” đối với thầy cô và học sinh. Luật Giáo dục đã quy định “SGK là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học”. Và nhiều “khuôn vàng” ấy đang bị xem là lạc hậu, lỗi thời. Vấn đề thực sự nằm ở đâu?

Xã hội luôn biến động nhưng SGK không thể cứ ngày một ngày hai lại thay đổi. Chỉ một mẩu tin trên báo chí xuất hiện cũng có thể đưa kiến thức trong SGK vào thế “việt vị”: khi Trung Quốc được nói là đã qua mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, nhiều người theo dõi tin tức hằng ngày có thể còn thấy bất ngờ, huống chi SGK địa lý vốn đã ra đời cả chục năm, thậm chí là lâu hơn nữa viết Mỹ, Nhật là hai nền kinh tế hàng đầu. Vùng đất Đông Timor trở thành quốc gia độc lập năm 2002 sau khi thoát khỏi sự quản lý của Indonesia đã khiến Đông Nam Á có thêm thành viên thứ 11. Đương nhiên, SGK địa lý không thể ngay lập tức bổ sung, sửa đổi. Hơn 10 năm, đã biết bao nhiêu thứ trở thành lạc hậu, thậm chí có những kiến thức hôm qua còn đúng nay đã được chứng minh là sai lầm. SGK không thể thay đổi ngay trong khi cuộc sống luôn vận động và ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ. Sự lạc hậu của SGK có thể nói là thường xuyên diễn ra và quốc gia nào cũng phải đối mặt, cũng phải liên tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Tuy vậy, cuộc tranh cãi về vấn đề SGK lạc hậu ở Việt Nam, ngoài vấn đề kiến thức trong sách lạc hậu, nhiều chương mục hoặc lỗi thời, hoặc sắp xếp chưa hợp lý, còn cho thấy một vấn đề khác lớn hơn: chúng ta đã và đang dạy vẹt và học vẹt… Nhiều người rất đồng cảm với những người thầy phải bức xúc khi ngày ngày đứng trên bục giảng dạy học sinh những điều họ thấy rõ là đã lỗi thời. Nhưng cũng rất đáng trách nhiều thầy cô giáo biết vậy mà vẫn tiếp tục dạy học sinh những điều đã cũ. Nói SGK chậm sửa đổi để rồi họ phải dạy kiến thức cũ về góc độ nào đó là ngụy biện bởi nếu làm đúng trách nhiệm của mình, người thầy phải cập nhật kiến thức, cập nhật thông tin và hướng dẫn học sinh cách học hợp lý, thay vì bệ nguyên xi SGK. Nếu vậy thì cần gì đến thầy cô nữa. Lối dạy vẹt, dạy như cái máy, rập khuôn, bệ y nguyên SGK thay vì kích thích sự tìm tòi, động não của học sinh, đã để lại hậu quả là nhiều thế hệ quen với các bài văn mẫu, với lối tư duy thụ động. Tả con lợn nào cũng có câu “đầu nó giống như cái xô”, con trâu nào cũng “tai như cái lá mít”. Có mấy em dám viết tai trâu như “bàn tay đang vẫy”, bởi trong tư duy thụ động của trẻ, tả giống cô giáo, thầy giáo mới đúng. Hệ quả của dạy vẹt, học vẹt rất rõ: Học sinh Việt Nam được xem là giải toán theo mẫu, theo dạng đề bài rất giỏi, đi thi đấu lần nào cũng có giải nhưng việc ứng dụng kiến thức rất yếu. Giống như một người tập võ, chỉ biết múa may bài quyền theo một trật tự từng đòn thế cho trước. Múa thì đẹp nhưng khi lâm trận không biết phân thế, sử dụng chiêu thức nào cho phù hợp.

Trong xã hội hiện đại, với nguồn thông tin tràn ngập, vấn đề không phải là lo cập nhật SGK. SGK, khác với luật pháp tránh tồn tại ở dạng luật khung, cần đưa ra những kiến thức căn bản, kiến thức khung. Giáo viên chính là người cập nhật thông tin và hướng đạo học sinh, xây dựng cho các em tư duy độc lập, kỹ năng tìm kiếm và cập nhật thông tin, thay vì chỉ dạy vẹt và học vẹt như bấy lâu nay. Cải cách giáo dục không chỉ có mỗi việc làm mới SGK, mà quan trọng hơn là phải bắt đầu từ tư duy giáo dục mới.

MỚI - NÓNG