Đi vào quỹ đạo

Đi vào quỹ đạo
TP - “Con tàu đắm” Vinashin đang được “trục vớt” và làm mới theo hướng tinh gọn. Theo đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Vinashin sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: (1) Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; (2) Công nghiệp phụ trợ phục vụ việc đóng và sửa chữa tàu biển; (3) Đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.

Sau thời gian dài mất phương hướng, cuối cùng con tàu Vinashin đã được dẫn dắt đi đúng quỹ đạo: Tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Vinashin đang “làm lại cuộc đời” với bộn bề khó khăn, nhất là những khoản nợ khổng lồ đang đến kỳ thanh toán.

Rất may, những người đứng đầu Vinashin cũng đã dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm đối với những khoản nợ này. “Vinashin vay thì phải trả, không ai trả thay”- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự quả quyết.

Câu chuyện của Vinashin cũng là bài học cho tất cả những tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay. Bài học sâu sắc, nhãn tiền nhất là việc đi trật đường ray, xa rời quỹ đạo.

Với lý lẽ tập đoàn kinh tế đa ngành, các Tập đoàn kinh tế nhà nước đang “lan man”, thậm chí sa đà vào các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh không phải là chủ lực hay thế mạnh của mình. Điều đáng nói nhất là việc sa đà trong đầu tư diễn ra ngay cả khi các tập đoàn chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính.

Ví như trong khi nhiệm vụ cung cấp năng lượng Tập đoàn E. “kéo dây” sang lĩnh vực viễn thông; Thay vì dồn sức nâng cao giá trị gia tăng những sản phẩm may đo để nâng sức cạnh tranh, Tập đoàn D. lại lo đầu tư tài chính, chứng khoán; thay vì tập trung chế biến nguồn nhiên liệu tại chỗ để cho ra sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu, Tập đoàn P. sa vào đầu tư khách sạn, địa ốc… Đấy là những bất ổn lớn.

Lấy sở đoản để chọi với sở trường của các đối thủ, tất yếu sẽ khó thành công, nếu không muốn nói thất bại là khó tránh khỏi. Vinashin là một minh chứng rõ ràng. Khi hiệu quả kinh doanh từ các hoạt động “râu ria” kém hiệu quả, các tập đoàn buộc phải điều tiết lợi nhuận từ các hoạt động chính để bù đắp. Điều đó vừa khiến cho hiệu quả kinh doanh của cả tập đoàn giảm sút, vừa làm méo mó hình ảnh, thương hiệu đã tạo lập.

Điều quan trọng hơn cả, việc đầu tư vào sở đoản đã làm mất đi ý nghĩa cũng như sức mạnh của các tập đoàn kinh tế. Một “Vinashin” thứ hai hoặc hơn nữa sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào nếu tình trạng đầu tư nguồn lực không đúng chỗ vẫn còn tiếp diễn.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Bài học này luôn có giá trị với mọi thời đại và đúng cả với các tập đoàn kinh tế hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.