Dịch bệnh "đổ thừa"

Dịch bệnh "đổ thừa"
TP - Báo Tiền Phong có bài Đổ thừa liệt kê vài việc đổ thừa của ngành y tế gần đây. Như dịch tiêu chảy cấp đổ cho mắm tôm thịt chó, ngộ độc thực phẩm đổ cho cá ngừ.

Việc đổ thừa trong ngành y tế không chỉ có chừng ấy và không chỉ trong ngành y tế. Theo dõi truyền hình trực tiếp cuộc họp quốc hội mới đây hẳn nhiều người còn nhớ, một số ý kiến trả lời chất vấn chỉ qua chỉ lại rồi chỉ xuống địa phương.

Lâu nay, các cơ quan nhà nước, trong tính toán kế hoạch thực thi trọng trách, thường nêu lên giải pháp hàng đầu là tuyên truyền giáo dục nhân dân. Giải pháp hàng đầu ấy được áp dụng cho hầu như mọi việc, từ sinh đẻ có kế hoạch đến lập lại trật tự giao thông, từ phòng chống tệ nạn xã hội đến nuôi dạy trẻ con, từ phát triển du lịch đến phát triển văn hóa, từ giữ rừng đến giải quyết việc làm, từ bảo vệ môi trường đến bảo vệ an ninh xã hội...

Hiển nhiên, mọi việc trong xã hội đều của dân, do dân. Nhưng không có nghĩa, dân trực tiếp làm tất cả. Nhiều việc, dân trả lương cho bộ phận chuyên trách làm. Nếu bộ phận chuyên trách này lại thường ngày nêu lên nhiệm vụ hàng đầu của mình là tuyên truyền giáo dục nhân dân thì trở thành vòng luẩn quẩn.

Vấn đề còn có vẻ lạ khi nhiều cấp, nhiều ngành khẳng định, cán bộ nhân viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa chuyên nghiệp trong phục vụ nhân dân. Nếu lại đặt ra cho đội ngũ lạc hậu này nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục nhân dân thì không rõ, kết quả sẽ thế nào.

Mục đích tuyên truyền giáo dục nhân dân như vẫn được nói rõ, là để dân làm. Như thế, một cơ quan nào đó một khi chuyển trách nhiệm cho dân, họ không còn trách nhiệm trực tiếp nữa, có chăng là trách nhiệm liên quan. Một vấn đề khi đã đổ thừa được cho người khác, bản thân coi như thoát.

Tuy nhiên, vấn đề xã hội không vì thế mà không còn. Nó vẫn đương nhiên tồn tại, bất chấp cơ quan có trách nhiệm giải quyết có thừa nhận hay không.

Đổ thừa cho nhân dân thì coi như không đổ thừa cho ai cả, vì nhân dân rất mênh mông. Rốt cuộc những vấn đề của xã hội tồn tại lưu cữu, trở thành như dịch bệnh, kinh niên. Vấn đề là giải quyết loại dịch bệnh đổ thừa ấy như thế nào và bao giờ. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.