Điểm nghẽn bảo thủ nhất

Điểm nghẽn bảo thủ nhất
TP - Con tàu Vinashin và vấn đề thiếu điện đã giành trọn sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 1-11. Chỉ có điều trong lúc chuyện con tàu Vinashin lần đầu 'dậy sóng' tại nghị trường thì căn bệnh thiếu điện kinh niên đã không ít lần làm nóng bỏng bàn nghị sự.

Vì sao hai tập đoàn giữ những vị trí then chốt của nền kinh tế đất nước lại tạo ra sức hút mạnh mẽ trước các đại biểu? Có lẽ cái mà các đại biểu quan tâm nhất lúc này chính là một lời nói thật từ những người có trách nhiệm về căn bệnh trầm kha của hai tập đoàn này. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, chúng ta mới có thể tập trung trí lực để cùng tháo gỡ khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) không ngần ngại chỉ ra rằng thiếu điện là do sự độc quyền của chính ngành điện. Sự thật đến đâu rồi sẽ tường minh, nhưng phát biểu này đã làm nhói đau bao con tim người Việt. Mùa hè 2010 đọng lại với sự ám ảnh về căn bệnh thiếu điện. Hàng triệu người dân trên đất nước hình chữ S đã hứng chịu sự hà khắc của thiên nhiên.

Trong cái nóng như thiêu, như đốt thì từ công dân thành phố hạng đặc biệt đến những đồng bào nơi biên giới, hải đảo đều phải nháo nhác vì thiếu điện. Hàng chục ngành sản xuất, kinh doanh liêu xiêu. Những chiếc quạt mo cau, nhiều phương pháp chống nóng cổ truyền tưởng như trong cổ tích lại trở nên hữu ích. Nhiều người mường tượng, đất nước dường như lùi về... thời bao cấp (?).

Việt Nam sẽ cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020, đó là định hướng đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện. Để đạt được điều đó, thì ngành điện mà cụ thể là sản phẩm điện phải đi trước đón đầu, phải công nghiệp hóa và hiện đại hóa trước tiên. Tiếc rằng, cả nền kinh tế đang bừng bừng trỗi dậy luôn quay quắt trong cơn đói điện.

Trả lời cho bài toán thiếu điện, đại biểu Sơn chỉ ra, xóa độc quyền sẽ là một trong những lối thoát, là cơ hội để ngành điện chuộc lỗi với nhân dân. Chỉ có điều theo phê duyệt của Chính phủ đến năm 2022 nước ta mới có thị trường bán lẻ điện. Chẳng lẽ, khi chúng ta thành nước công nghiệp rồi thì ngành điện mới lững thững bước vào thị trường hóa.

Để soi tìm trách nhiệm của ngành điện hẳn chúng ta phải đặt ngành điện vào đúng vị trí và vai trò của nó trong nền kinh tế đất nước. Là một tập đoàn kinh tế nhà nước, EVN được hưởng nhiều nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò chủ đạo của mình. Tuy nhiên, khi đã trở thành siêu doanh nghiệp, với nhiều lợi thế đặc biệt, dường như EVN không mặn mà lắm trong việc thực hiện bổn phận của mình.

Bằng chứng rõ nhất là tình trạng thiếu điện triền miên không những không được cải thiện mà ngày một trầm trọng. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) gay gắt: “Thiếu điện là điểm nghẽn kiên cố và bảo thủ nhất”. Đúng! Nhưng những điểm nghẽn, điểm bảo thủ này là do ai tạo nên và chúng ta có xóa được không?

Trong lúc đáng lẽ cần phải chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra thiếu điện và bàn cách tháo gỡ nút thắt thiếu điện thì dường như tất cả lại sa đà vào những tranh luận không hồi kết, làm nhạt nhòa trách nhiệm của EVN. Câu chuyện thiếu điện vẫn sẽ mãi là...thiếu điện nếu không có một ai chịu trách nhiệm. Và tiếp tục để thiếu điện là cản trở sự phát triển của đất nước, là có tội với nhân dân.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.