Đổ lỗi vòng quanh

Đổ lỗi vòng quanh
TP - Lãng phí, vốn đầu tư đội lên do triển khai chậm là những cụm từ mà hầu như kỳ họp HĐND TPHCM nào cũng được nhắc đi nhắc lại. Nhưng hàng chục năm nay dù biết rồi các đại biểu của dân cứ phải nói mãi vì tình hình chẳng được cải thiện là bao.

Khá điềm tĩnh nhưng Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng phải thốt lên “không thể chấp nhận được” khi đời sống nhân dân đang gặp khó khăn, vốn đầu tư thiếu mà vẫn phải móc ngân sách thành phố chi thêm gần 3.000 tỷ đồng cho 88 công trình chậm tiến độ.

Điều này không mới. Chẳng riêng gì bà Phạm Phương Thảo, báo chí, dư luận bao lần lên tiếng nhưng dường như lãng phí ngày càng trầm trọng hơn.

Một huyện không giàu như Củ Chi (TPHCM) nhưng dự án nâng cấp đường tỉnh lộ 9 sau ba năm không thực hiện, nay lại dự kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 72 tỷ đồng lên đến 548 tỷ đồng.

Còn một huyện cũng còn khá nhiều dân  nghèo như Hóc Môn có hai con đường chỉ dài 3,4km và 4,7km xây dựng trên đất bằng phẳng nhưng vốn đầu tư đội lên tới 1.270 tỷ đồng.

Ngay cả dự án cầu Bông 2 dài có 103m nằm sát trung tâm TP mà 11 năm xây không xong còn vốn đầu tư từ 19 tỷ đồng nhảy lên 155 tỷ đồng.

Mới đây, sau những phản đối dữ dội từ dân và báo chí, TPHCM  phải xem lại việc cạy vỉa hè như lời một đại biểu HĐND là “có thể sử dụng được 3-4 năm nữa” để làm mới.

Ngay như dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, nếu TP tôn trọng ý kiến dân ngay từ đầu, làm đúng quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, chắc chắn không kéo dài đến như hiện nay để rồi tổng vốn đầu tư, đền bù giải tỏa tăng lên hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nếu một vụ án gây thất thoát vài chục tỷ đồng đã được xem là đặc biệt nghiêm trọng thì không hiểu việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng như trên sẽ được gọi tên bằng gì?

Dù  qua nhiều nhiệm kỳ, bao kiến nghị, đề nghị làm rõ, nhưng có lẽ do lãng phí chỉ đụng đến ngân sách, chưa đánh thẳng vào túi ai, quy trách nhiệm cho vị nào nên cha chung vẫn chưa có ai khóc thật lòng.

Có ý kiến cho rằng đây là đặc sản trong xây dựng cơ bản của TPHCM và “thầy đổ thợ, thợ đổ thầy, cuối cùng không biết trách nhiệm của ai và cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề” vì chưa có giải pháp hay chỉ ra trách nhiệm tận gốc.

Lần nào họp HĐND, lãnh đạo các sở, ngành cũng đưa ra lý do thủ tục chậm, trượt giá, khó khăn thi công, thiếu phối hợp, đền bù giải tỏa chậm và cả do Trời như vụ ngập hầu như quanh năm. Nhưng nhìn thẳng vào những lý do trên thì đại đa số do chính lối làm việc quan liêu, đổ lỗi vòng quanh, năng lực yếu và trách nhiệm thiếu gây ra.

 Ngân sách dành cho xây dựng cơ bản tại TPHCM vẫn thuộc loại lớn nhất cả nước nhưng bầu sữa do dân gây dựng, đóng góp này liệu có chịu được mãi khi cứ bị vắt như trên? 

MỚI - NÓNG