Doanh nghiệp Việt sợ gì?

TP - Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, và các vị tiền nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ tiên phong làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước.

Tuy nhiên, như người ta thường nói “tân quan, tân chính sách”, và điều lớn hơn, cốt yếu hơn chính là bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đang ở giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ, nhiều cơ hội mở ra nhưng đang xuất hiện những thách thức không hề nhỏ. Việt Nam đang trong quá trình tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới, những định chế mang tính khu vực và toàn cầu mà Việt Nam tham gia bắt đầu có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. 

Việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cả cơ hội lẫn những thách thức chưa từng có. Nếu không có tâm thế tốt, có sự chuẩn bị tốt, doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể sẽ không thu được nhiều lợi ích từ các định chế quốc tế, không những vậy còn bị cạnh tranh khốc liệt và có thể thua ngay trên sân nhà. Sự “thôn tính” của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa đã không còn là nguy cơ, mà trong một số ngành, một số lĩnh vực, đang là hiện thực.

Nhưng nếu được hỏi hôm nay doanh nghiệp Việt còn sợ gì, câu trả lời là “rất nhiều”. Sợ sự hùng mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là một phần, nhưng nhiều doanh nhân trong nước nói họ sợ hệ thống pháp luật và những người thực thi pháp luật ngay trong nước. 

Doanh nghiệp “sợ” từ “ông” PCCC trở đi, sợ thuế, sợ hải quan, sợ các loại “giấy phép con”, sợ những chính sách còn bất cập, sợ những người nắm trong tay công quyền nhưng hành động hoặc xa rời thực tiễn, hoặc tìm đủ cách “hành” doanh nghiệp để mưu cầu lợi ích riêng.

Từ các chính phủ tiền nhiệm, lãnh đạo cấp cao nhất đã nhiều lần nêu tinh thần chính quyền phải luôn là bà đỡ cho sự phát triển, chính quyền phục vụ, nhưng tình trạng quan chức tại nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn suy nghĩ cơ quan nhà nước là cấp trên của doanh nghiệp, tự cho mình quyền ban phát, thể hiện cụ thể bằng hàng ngàn “giấy phép con”, biểu hiện rõ nhất sự “yêu thích” cơ chế xin cho, thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền của “một bộ phận” cơ quan quản lý, quan chức.

Chính vì lẽ đó, cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng với giới doanh nghiệp, doanh nhân hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, rất nhiều kỳ vọng. 

MỚI - NÓNG