Đơn giản mà tinh nhuệ

Đơn giản mà tinh nhuệ
TP - Thông tin Bộ Nội vụ đang xin ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế được coi như một chỉ dấu cho thấy quyết tâm của Chính phủ về nâng cao chất lượng bộ máy hành chính.

Dư luận lâu nay nhiều lần bức xúc về những công chức nhũng nhiễu, hành dân, rồi nạn chạy chức, chạy quyền len lỏi nhiều nơi, nhiều ngóc ngách của cơ quan hành chính. Những cụm từ “một phần ba công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “công chức trăm triệu đồng”… đã được những người có trách nhiệm thốt lên tại nhiều diễn đàn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nỗ lực siết lại, chỉnh lại những khiếm khuyết trong công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ công chức chưa mang lại hiệu quả đáng kể.

Trong tuyển dụng công chức, chúng ta thấy rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức lọt vào bộ máy hành chính thông qua các mối quan hệ. Lãnh đạo một cơ quan hành chính phải thốt lên: “Đơn vị tôi toàn cháu cụ này, con bác nọ, em của anh kia…”.

Khỏi phải bàn sâu vì sao họ có chân trong bộ máy hành chính, và đừng nghĩ có thể tinh giản họ, ngay cả khi họ mắc khuyết điểm hay chưa hoàn thành nhiệm vụ, bởi họ đã có những “cái ô”.

Về năng lực công tác, người có nghề A vẫn được bố trí làm việc B, đôi khi chuyên môn được đào tạo chẳng ăn nhập, thậm chí rất khập khiễng với công việc. Trình độ chuyên môn từ cấp ba, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; hình thức đào tạo từ chính quy đến tại chức, liên thông, đào tạo từ xa hay liên thông từ trung cấp lên thạc sỹ, tiến sỹ… 

Vậy là vừa đi làm vừa hoàn thiện, khuyết một vị trí lại được bổ sung vị trí… lương Nhà nước vẫn trả đủ. Trong khi đó, nhiều người được đào tạo đúng chuyên môn vẫn không có cơ hội. Nói về việc này, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương chia sẻ: “Việc tuyển dụng công chức hãy học chủ tiệm làm đầu. Họ biết tuyển ai, tay nghề ra sao, làm việc gì và trả lương bao nhiêu”.

Trong đánh giá, xử lý cán bộ, tình trạng phổ biến là đánh giá còn nể nang, dĩ hoà vi quý được xác lập trên những tiêu chí khá mơ hồ, nặng về “phẩm chất, tư tưởng” mà không rõ về hiệu quả công việc cụ thể của từng vị trí công chức. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ công chức vi phạm, chưa hoàn thành nhiệm vụ, vì nhiều lý do vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thậm chí được cất nhắc, bổ nhiệm, luân chuyển lên vị trí cao hơn. 

Nhiều người đứng đầu các cơ quan hành chính còn có tâm lý ngại và “sợ” việc xem xét kỷ luật cán bộ dưới quyền, trừ trường hợp họ vi phạm pháp luật đến mức không thể “đóng cửa bảo nhau” được. Vụ việc Dương Chí Dũng được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải là một ví dụ điển hình.

Bộ máy hành chính được hình thành để quản lý xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. Một bộ máy tinh gọn với những công chức tinh nhuệ về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ tạo động lực và là nguồn lực để đất nước phát triển mạnh mẽ. Một bộ máy hành chính quá cồng kềnh với đội ngũ công chức hạn chế năng lực sẽ là cản lực trong phát triển. 

Tinh giản bộ máy hành chính, cắt giảm lực lượng công chức yếu kém là đòi hỏi bức bách của xã hội. Điều này vừa tiết kiệm nguồn lực đáng kể của đất nước, vừa tạo ra cơ hội và môi trường tốt để những người giỏi thực sự có nhiều cơ hội hơn để cống hiến cho xã hội. Một bộ máy tinh gọn, hiệu quả còn là một chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia!

MỚI - NÓNG