Đột phá từ đâu?

Đột phá từ đâu?
TP - Tại Hội nghị tham gia ý kiến phản biện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2015 do UBMT Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức sáng 5-7, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học đã nhấn mạnh việc cần phải cấp bách phát triển giao thông Hà Nội.

> Tập trung phát triển hạ tầng đô thị 

Không phải không có những quan ngại đối với giao thông Hà Nội. Trước hết, đó là vấn đề quy hoạch. Nhiều ý kiến lo ngại cho tầm nhìn quy hoạch giao thông của thủ đô có phần không xa và thiếu đồng bộ.

Dự án đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Pháp Vân dài 10km, sau mười năm chưa hoàn thành. Thế nhưng con đường mới còn dang dở đó nay được bồi thêm một tầng cao trên dải phân cách giữa. Chỉ có điều mười năm trước, đường trên cao này không có trong quy hoạch.

Vì lẽ đó mà dư luận băn khoăn cho số phận cây cầu vượt Mai Dịch dù cả TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đều đã lên tiếng khẳng định chưa có kế hoạch phá bỏ nó. Đó là chưa kể tại nút Mai Dịch ngoài việc có một cầu vượt, một đường bộ trên cao còn có một tuyến đường sắt trên cao đi qua.

Mới đây, một trục đường trên cao được đề xuất xây dựng dọc đường vanh đai II ( Minh Khai- Đại La-Trường Chinh). Cho dù trên thực tế việc có một con đường trên cao mới có thể hoặc không ảnh hưởng xấu hai cầu vượt hiện hữu là Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở thì điều này cũng gây bất ngờ với dư luận.

Quy hoạch không phải là bất biến, và luôn được bổ sung hoàn thiện nhưng nếu như biết lắng nghe, tiếp thu và những người làm quy hoạch với tinh thần trách nhiệm cao, thì hẳn tuổi thọ của những đồ án quy hoạch sẽ được kéo dài hơn và niềm tin của người dân với những bản quy hoạch đó cũng cao hơn.

Điều ngược lại, nhiều đồ án quy hoạch sẽ phải sớm điều chỉnh, bổ sung, ngoài mục tiêu làm cho quy hoạch mới tốt hơn thì cũng không ít bản quy hoạch được điều chỉnh theo cái nhìn ngắn hạn hoặc phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó mà không vì cái chung. Khi đó chính những dự án, công trình công cộng sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng lộn xộn, “năm cha, ba mẹ”.

Một thảm kịch có thể xảy tới đó là sự rối rắm, chắp vá thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng. Đầu tư đắt đỏ mà hiệu quả mang lại không tương xứng đó là chưa kể những di chứng về mặt kiến trúc, thẩm mỹ cho thủ đô sẽ không thể một sớm, một chiều khắc phục được.

Vấn đề thứ hai trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội là việc hiện thực hóa các quy hoạch. Trong nhiều chục năm qua, các tuyến đường vành đai I, vành đai II, vành đai III vẫn trong tình trạng dang dở. Nhiều tuyến đường hướng tâm hoặc chưa được đầu tư hoặc vẫn ỳ ạch kéo dài. Một số dự án đường sắt đô thị, tàu điện ngầm dù được khởi động rầm rộ nhưng đến nay vẫn ở dạng tiềm năng.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong 5 năm tới (2011-2015), dự kiến số tiền dành cho phát triển hạ tầng giao thông cần đến khoảng 7 tỷ đô la. Nếu thực hiện mục tiêu này thì mỗi năm Hà Nội cần phải giải ngân khoảng 1,5 tỷ đô la, tương đương 30 ngàn tỷ đồng.

Vậy là chưa cần nói đến cái khó trong việc kiếm đâu ra ngần ấy tiền mà hãy chỉ lo đến việc làm thế nào để tiêu bấy nhiêu tiền cũng đủ làm đau đầu các lãnh đạo Thủ đô. Nếu không đổi mới và quyết liệt trong thực hiện dự án thì khó có sự đột phá nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG