Đừng để dân 'tự bơi'

Đừng để dân 'tự bơi'
TP - Theo một lãnh đạo của Sở TN&MT Hà Nội, người dân nào lỡ mua nhà, chung cư của các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất sẽ không được cấp sổ đỏ. 

Nói với Tiền Phong ngày 3/3, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cho hay, sở này đang đề xuất, nếu chủ đầu tư không khắc phục nghĩa vụ tài chính liên quan tiền sử dụng đất, sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật. Đồng thời đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; thu hồi đất hoặc thu hồi quỹ nhà chưa bán...

Ông Nghĩa khuyến cáo, để nắm rõ tình trạng các dự án nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà có thể vào trang web của Sở Tài chính để biết thông tin về tình trạng nợ nghĩa vụ tài chính của chủ dự án. Đi kèm với khuyến cáo (thông qua phóng viên), Sở Tài chính cũng “bêu” tên 38 doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất, gồm cả dự án đã, đang và chưa triển khai.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội lần đầu tiên công bố danh sách 26 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán nhà cho khách hàng. Đây là việc rất cần thiết với người dân mà lẽ ra chính quyền, cơ quan chức năng phải làm từ lâu, trong bối cảnh đã có quá nhiều vụ việc liên quan nghĩa vụ của chủ đầu tư, những vụ lùm xùm mà người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà.

Tuy nhiên, ngay trong cảnh báo của Sở TN&MT, có thể thấy dù cơ quan quản lý cảnh báo, nhưng nếu doanh nghiệp làm sai thì phần thiệt thòi vẫn dồn lên đầu người tiêu dùng. Bởi cảnh báo sơ sơ vậy chưa đủ. Không phải người dân nào cũng biết được thông tin doanh nghiệp nào đủ điều kiện, doanh nghiệp nào còn nợ tiền sử dụng đất, không phải người mua nhà nào cứ vào trang web của Sở Tài chính là tìm thấy ngay thông tin cần thiết về doanh nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở những cảnh báo, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp được luật hóa bằng các quy định để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà và đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là chức năng của cơ quan quản lý. Trong các quy định về mua bán tài sản trong đó có bất động sản, đã có các điều khoản bắt buộc bên mua và bên bán phải thực hiện để đảm bảo giao dịch thành công và quyền lợi chính đáng của các bên được đảm bảo như giao dịch phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Các cơ quan chức năng cần cung cấp những dữ liệu cập nhật liên tục để cơ quan thực hiện công chứng truy cập, xác nhận và đảm bảo giao dịch đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Và những việc này cần được thực hiện ở quy mô toàn quốc như những yêu cầu bắt buộc trong giao dịch dân sự, tránh để người dân phải “tự bơi” và khi có chuyện lại phải hứng chịu mọi thiệt thòi.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.