Đừng để vô phương cứu chữa!

Đừng để vô phương cứu chữa!
TP - Sau “truy lùng” chất cấm Salbutamol, người tiêu dùng đối diện nỗi lo mới trong bữa ăn: lượng kháng sinh tồn dư trong thực phẩm.

Ngành chăn nuôi đang cho phép sử dụng trên 40 loại kháng sinh tăng trưởng và đang đối diện thực tế: nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và những lô hàng thủy sản hồi hương trong sự lo lắng không chỉ của chủ hàng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng kháng sinh giúp vật nuôi tăng trưởng, nhưng nguyên lý tăng trưởng thế nào thì đến nay khoa học cũng chưa có nghiên cứu thấu đáo.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên vì mục đích kích thích sinh trưởng khiến tập đoàn vi khuẩn kháng kháng sinh tăng lên, gây khó khăn cho cả việc phòng trị bệnh trên vật nuôi lẫn con người do ăn phải thực phẩm có tồn dư kháng sinh.

Hiện, các nước EU và nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ngừng sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng. Nếu thế giới không kiểm soát kháng sinh sẽ đến lúc con người bị bệnh sẽ “vô phương cứu chữa”.

Như vậy, nhìn chung, xu hướng của thế giới ngày nay sẽ đi đến việc kiểm soát kháng sinh, kể cả mục đích kích thích tăng trưởng.

Ngành chăn nuôi Việt Nam ít sản phẩm xuất khẩu, vì vướng một trong những rào cản, là hàm lượng kháng sinh.

Hiện, ngành chăn nuôi, dù sao vẫn phải cho phép sử dụng kháng sinh để chữa bệnh, hoặc có thể phòng bệnh, hoặc dùng để kích thích tăng trưởng với một mức độ nào đó, nhưng cũng phải kiểm soát chặt hơn, không thể để tràn lan như hiện nay.

Sở dĩ ở Mỹ vẫn cho phép sử dụng, vì họ kiểm soát rất chặt chẽ. Ở Việt Nam việc quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn nhiều vấn đề. Hơn nữa, chúng ta lại cho phép sử dụng nhiều loại. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các loại kháng sinh sinh trưởng không được trùng với kháng sinh y tế, đó là kháng sinh lành tính, không bắt buộc thời gian cách ly trước khi giết mổ và có mức tồn dư tối đa cho phép khá cao!

Với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu như thủy sản, mật ong…, chúng ta phải “nói không tuyệt đối với kháng sinh”. Chúng ta xuất khẩu mật ong đi Mỹ đã khó, nhưng đi EU còn khó hơn, vì họ kiểm soát tồn dư kháng sinh cực kỳ kỹ. Vì thế, để xuất khẩu thủy sản sang EU, chúng ta đã phải vô cùng chật vật, tiếp đón không biết bao nhiêu đoàn của họ sang tận nơi, kiểm tra đủ thứ về hệ thống giám sát.

Thế nên, giải pháp bền vững nhất với chăn nuôi, cũng như nuôi trồng thủy sản là thực hiện biện pháp an toàn sinh học. Tất nhiên, để tiến tới được một nền chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn là câu chuyện không phải ngày một ngày hai mà làm được, nhưng đối với vấn đề kháng sinh trên thủy sản thì chúng ta buộc phải kiên quyết, cho dù trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi...

MỚI - NÓNG