Đừng “hành” dân

Đừng “hành” dân
TP - Mấy hôm nay, tâm điểm gây bàn tán xôn xao trong dư luận và trên các diễn đàn, mạng xã hội như OtoFun… đó là việc Bộ Công an ra văn bản khẳng định lại việc xử phạt hành chính với những tài xế không xuất trình được giấy tờ gốc mà dùng bản sao công chứng.

Trên thực tế, việc bắt lỗi, xử phạt này đã diễn ra tại nhiều nơi và rất nhiều xe đã được mời về “bãi” nghỉ ngơi. Với chi phí bãi lên tới vài trăm ngàn/ngày, và thời gian chạy đôn đáo lo “lôi” giấy tờ thế chấp ra khỏi ngân hàng mất tới 10-15 ngày, xong vụ nộp phạt, người dân, doanh nghiệp đều than méo mặt. 

Tương tự, các ngân hàng cũng…“mếu dở” khi bị Ngân hàng Nhà nước “thúc” phải trả lại giấy tờ gốc cho bên thế chấp (người vay). Quan trọng, dù muốn thực hiện nhưng họ không biết “bấu” vào đâu để giữ chân được các khoản vay cả trăm, ngàn tỷ đồng đã “bơm” ra cho tín dụng tiêu dùng mua ô tô...  Và nói như luật sư Trương Thanh Đức, nếu trả giấy tờ gốc, ngân hàng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Dư luận bức xúc, ồn ào lo lắng, bộ ngành biết không? Xin thưa là biết! Nhưng đáng tiếc cả tuần trôi qua, tiếng than vẫn rơi vào im lặng. Nhiệt tình lên tiếng nhất chỉ có giới luật sư am hiểu pháp luật hay hiệp hội vận tải ô tô bởi buốt lòng nhìn cảnh hàng chục chiếc xe của doanh nghiệp taxi, vận tải bị “găm giữ” (gây thiệt hại đến doanh thu, thậm chí cả “nồi cơm” của mỗi gia đình tài xế).

Phân tích ai đúng, ai sai đã rõ. Giới luật sư chỉ ra rằng: xét theo Nghị định 163 thì chủ phương tiện phải mang theo giấy tờ xe gốc; nhưng xét theo điều 323 Bộ luật Dân sự thì bên cho vay được phép giữ giấy tờ liên quan. Nghị định “đẻ” sau Luật và các văn bản dưới luật thì không được trái luật. Xét theo “logic” này, rõ ràng việc đòi phải trình giấy tờ gốc và xử phạt là vô lý!

“Hành chính cả nước chấp nhận giấy tờ công chứng, vậy tại sao Bộ Công an lại có quyền không chấp nhận”, đó là ý kiến một bạn đọc gửi đến Tiền phong ngày 7/7.  Cũng theo nhiều bạn đọc khác, bỏ đi việc xử phạt và chấp nhận giấy tờ bản sao công chứng mới là đúng thông lệ quốc tế và thực tế đang diễn ra trong xã hội Việt Nam mình. Và như vậy, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm liên đới (Bộ Công an, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước) cần ngồi lại, rà soát, đề xuất chỉnh sửa Luật sao cho phù hợp, đồng bộ thay vì để văn bản… “đá nhau”.

Cứ lo đổ lỗi, trách móc, biết “dội” ai bây giờ. Chả lẽ “bắc thang lên hỏi ông giời”?

MỚI - NÓNG